Nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp mỏ, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương

TS. Đào Duy Anh-
Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim
1- Mở đầu
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, sự tận tâm, tinh thần sáng tạo và nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ (KHCN) nói chung, cán bộ KHCN ngành Công Thương nói riêng, các kết quả nghiên cứu KHCN đã được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. KHCN đã thể hiện vai trò quan trọng thay đổi tư duy quản lý các cấp, quản trị doanh nghiệp, đổi mới công nghệ, thiết bị, qua đó làm tăng năng suất lao động, đạt bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,88%, cao nhất khối Asean và trong nhóm các quốc gia có tăng trưởng cao ở Châu Á. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của VN liên tục được cải thiện, hiện đứng thứ 42/131 quốc gia, tăng 17 bậc so với năm 2016. KHCN đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia hiệu quả vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Để cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết ĐH XIII, ngày 11/5/2022, Thủ tướng CP đã ban hành Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) với mục tiêu, đến năm 2030 KHCN và ĐMST được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa VN trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao. KHCN đóng góp năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế trên 50%; sản phẩm công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thể giới.
Đối với ngành Công Thương, ngày 28/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành QĐ 165/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, với quan điểm phát triển nhanh, bền vững ngành CT trên cơ sở phát huy vai trò động lực của KHCN, ĐMST, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Xác định rõ, lấy KHCN và nhân lực chất lượng cao là công cụ, ĐMST, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là đột phá để tái cơ cấu ngành.
Với chủ trương, đường lối và chiến lược phát triển rõ ràng của Đảng, Chính phủ, cũng như vai trò, trách nhiệm trong quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương, các đơn vị KHCN ngành Công Thương vừa có cơ hội cho một quá trình phát triển mới, vừa phải gánh vác trọng trách là công cụ, là yếu tố đột phá trong quá trình tái cơ cấu ngành.
2-Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ-Luyện kim với quá trình tái cơ cấu ngành Công thương
Là một đơn vị nghiên cứu-triển khai KHCN về khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim trong lĩnh vực công nghiệp mỏ, trực thuộc ngành Công Thương, đối với lĩnh vực này, Đề án tái cơ cấu đã nêu rõ nhiệm vụ: “…phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đồng bộ, hiện đại phù hợp với tiềm năng khoáng sản có quy mô lớn, gắn với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và làm chủ chuỗi cung ứng từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến, tồn trữ, phân phối, xuất nhập khẩu và các dịch vụ hỗ trợ phát triển ngành…”. Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim trong suốt 55 năm hoạt động đã luôn thực hiện chức năng, nhiệm vụ ở 02 nội dung chính, đó là: (1) Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, tham mưu công tác quản lý ngành công nghiệp mỏ cho các cấp lãnh đạo như: Xây dựng các Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy trình công nghệ hay sản phẩm, các định mức kinh tế, kỹ thuật trong hoạt động khoáng sản và (2) Đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất tại các doanh nghiệp trong ngành nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới phương pháp quản lý, đổi mới công nghệ, thiết bị để từng bước chuyển đổi ngành công nghiệp mỏ Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Theo nhiệm vụ Đề án tái cơ cấu ngành Công thương đặt ra cho lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, công tác nghiên cứu, triển khai của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ-Luyện kim trong gia đoạn đến 2030 tập trung vào một số nội dung chính sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu về khoa học và thực tiễn nhằm không ngừng nâng cao cả về số lượng và chất lượng công tác tham mưu cho Lãnh đạo các cấp trong công tác quản lý ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản;
2. Nâng cao tiềm lực cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực, tiếp thu trình độ KHCN tiên tiến trên thế giới nhằm không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm KHCN cung cấp cho công tác quản lý ngành và các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản;
3. Tập trung vào các hướng nghiên cứu đưa ra các giải pháp tổng thể cho khai thác, chế biến và sử dụng tối đa khoáng sản cũng như các vật liệu khai thác ra từ mỏ. Nghiên cứu các công nghệ chế biến thu hồi tối đa khoáng sản, đưa ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng ít nguyên, nhiên liệu, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, đồng thời có các giải pháp tái sử dụng tối đa các chất thải sinh ra từ các quá trình chế biến để làm nguyên liệu cho các ngành, lĩnh vực công nghiệp khác theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn;
4. Nghiên cứu, chế tạo các vật liệu tiên tiến, có tính năng đặc biệt; nghiên cứu ứng dụng các mô hình chuyển đổi số, công nghệ thông minh vào ngành công nghiệp mỏ, qua đó thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế ngành công nghiệp khai khoáng;
5. Nghiên cứu đưa ra các giải pháp công nghệ, thiết bị trong xử lý các nguồn chất thải phát sinh từ quá trình khai thác, chế biến khoáng sản nhằm hướng tới xây dựng ngành công nghiệp mỏ xanh, phát triển bền vững.    
3- Kiến nghị
- Chính phủ và Bộ Công Thương cần có các chính sách, chương trình đào tạo cán bộ KHCN, đặc biệt là cán bộ KHCN có trình độ cao nói chung và cán bộ KHCN cho lĩnh vực công nghiệp mỏ nói riêng. Đồng thời, quan tâm đầu tư phát triển tiềm lực về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các đơn vị nghiên cứu để thúc đẩy sự phát triển của KHCN một cách thực chất, đưa KHCN trở thành động lực cho sự phát triển đất nước nói chung và phát triển ngành Công Thương nói riêng;
- Ngoài các nhiệm vụ do các đơn vị nghiên cứu, triển khai đề xuất, Bộ Công Thương cần có các nhiệm vụ đặt hàng mang tính dẫn dắt, đón đầu các xu hướng KHCN và kỹ thuật, cũng như xây dựng các công cụ quản lý cho ngành, lĩnh vực trong định hướng tái cơ cấu ngành Công Thương;
-  Trao quyền tự chủ nhiều hơn cũng như có các cơ chế đặc thù về tuyển dụng, quản lý nhân sự, tài chính cho các tổ chức KHCN công lập để có thể thu hút và giữ chân đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ cao.