Kết quả nghiên cứu tuyển quặng titan - zircon cát đỏ


Quặng sa khoáng titan - zircon (trong tầng cát đen và cát xám) sau nhiều năm khai thác đang dần cạn kiệt về trữ lượng và hàm lượng khoáng vật nặng (KVN) trong quặng càng ngày càng giảm. Theo các kết quả điều tra, khảo sát mới nhất thì nguồn tài nguyên titan - zircon trong tầng cát đỏ ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn.

Việc nghiên cứu, xác định quy trình công nghệ tuyển nhằm đánh giá khả năng thu hồi Ti và các khoáng vật có ích trong tầng cát đỏ phục vụ các dự án thăm dò đánh giá trữ lượng để có kế hoạch khai thác - chế biến và sử dụng nguồn quặng titan - zircon phục vụ phát triển kinh tế - xã hội có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn.
Mỏ titan - zircon cát đỏ  thuộc địa phận xã Phước Hải và xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, cách thị xã Phan Rang khoảng 16 km về phía Nam - Đông Nam. Diện tích thăm dò 7,92 km2.

Các kết quả khảo sát cho thấy trong vùng có hai loại quặng sa khoáng: Sa khoáng trong tầng cát đỏ thuộc hệ tầng Phan Thiết và sa khoáng trong tầng cát xám vàng nguồn gốc biển gió tuổi Holocen.

Mẫu nghiên cứu có hàm lượng trung bình khoáng vật nặng là 1,15%, có độ hạt tương đối mịn và phân bố chủ yếu trong cấp hạt - 0,5 0,074 mm. Các khoáng vật nặng như: Ilmenit, zircon, anataz, rutil, monazit tập trung chủ yếu trong cấp hạt mịn. Thành phần khoáng vật chủ yếu trong mẫu là thạch anh và phân bố khá đều trong các cấp hạt.

Thành phần khoáng vật nặng có ích phân bố chủ yếu trong các cấp hạt mịn.
Căn cứ vào đặc điểm thành phần vật chất mẫu quặng, đã định hướng sử dụng công nghệ tuyển trọng lực để thu hồi các khoáng vật nặng có ích trong mẫu và áp dụng phương pháp tuyển tinh bằng phương pháp tuyển từ, tuyển điện để thu hồi các sản phẩm quặng tinh ilmenit và zircon …
- Sử dụng thiết bị tuyển vít xoắn để thu hồi quặng tinh thô có hàm lượng TiO2 24,96 %; tương ứng với thực thu 75,25% và hàm lượng ZrO2 5,03% với thực thu tương ứng 78,61%
- Từ quặng tinh trọng lực áp dụng phương pháp tuyển từ có thể nâng hàm lượng TiO2 trên 49 % với thực thu ~ 94 %.
- Công nghệ tuyển tinh hợp lý thu hồi quặng tinh zircon là: Tuyển điện.  Áp dụng phương pháp tuyển điện thu hồi được quặng tinh zircon có hàm lượng > 60% ZrO2 với thực thu ~ 97 %./.
 
Một số hình ảnh mẫu nghiên cứu
 Hệ thống thiết bị tuyển vít

 KS. Nguyễn Bảo Linh
                                                      Phòng Công nghệ Tuyển khoáng
Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim