Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim: Khoa học công nghệ tạo nên sự đột phá
Khoa học và công nghệ (KH&CN) có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững ngành Công Thương. Theo đó, hoạt động KH&CN luôn được Bộ Công Thương cũng như các đơn vị trong ngành ưu tiên phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động nghiên cứu.
Là một trong các Viện nghiên cứu hàng đầu của ngành Công Thương với trên 97% doanh thu đến từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Vimluki) luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học
Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim trực thuộc Bộ Công Thương, với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động chủ yếu của Viện gồm: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về KH&CN mỏ - luyện kim và môi trường công nghiệp; nghiên cứu xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển; khai thác mỏ, chế biến, sản xuất, kinh doanh khoáng sản và hợp kim theo quy định của pháp luật; thực hiện các dịch vụ KH&CN như tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, lập dự án đầu tư, thiết kế, xây dựng, chế tạo, lắp đặt, thẩm tra, thẩm định, đánh giá tác động môi trường thuộc lĩnh vực khai thác, sản xuất và chế biến về tuyển khoáng sản và luyện kim…
Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Công Thương, các bộ, ban, ngành liên quan, đặc biệt là tinh thần lao động bền bỉ của tập thể cán bộ, công nhân viên, Viện đã đạt nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học đáng ghi nhận với các kết quả nghiên cứu khoa học được đưa vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, theo báo cáo tổng kết, kết quả đầu ra về khoa học giai đoạn 2016 - 2018, Vimluki có tổng số 104 công bố khoa học được công bố trong và ngoài nước, nằm trong nhóm Viện có nhiều công bố nhất, chiếm 18% tổng số công bố của 11 Viện. Số công bố lần lượt các năm từ 2016 đến 2018 là 38, 32 và 34 công bố. Các công bố của Viện đa dạng, chủ yếu là bài viết trên các tạp chí trong nước (30 bài), bài trình bày tại hội thảo trong nước có 14 bài, bài đăng trên các tạp chí quốc tế có 13 bài, bài trình bày tại hội thảo quốc tế có 5 bài.
Số lượng công bố quốc tế giai đoạn 2016 - 2018 của Viện là 18 công bố, chiếm 13,5% tổng số bài công bố trên tạp chí nước ngoài của 11 Viện và đứng thứ 3 trong tổng số các viện khảo sát.
Về số công bố khoa học/cán bộ nghiên cứu, trong giai đoạn 2016 - 2018, Viện đạt mức 0,56 công bố/mỗi cán bộ nghiên cứu. Số công bố quốc tế/cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên trong giai đoạn này là 2,25 công bố, cao hơn chỉ số trung bình của 11 Viện là 1,73 nghiên cứu.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2012-2018, tổng số đầu ra công nghệ của Viện là 13 kết quả, trong đó có 02 công nghệ mới do tổ chức phát triển, 6 công nghệ có sở hữu trí tuệ, 2 công nghệ đã chuyển giao và 3 công nghệ đã thương mại hóa.
Nhiều đề tài nghiên cứu có giá trị khoa học và tính thực tế cao, kết quả được ứng dụng vào sản xuất tiêu biểu như: Hoàn thiện công nghệ sản xuất thiếc 99,99% Sn bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn; nghiên phương pháp thu hồi liti cacbonat và liti clorua từ tinh quặng liti; Công nghệ khai thác và tuyển hợp lý nhằm phát triển bền vững tài nguyên sa khoáng titan - zircon trong tầng cát đỏ khu vực Bình Thuận, Việt Nam; Thiết kế chế tạo và chuyển giao hệ thống tuyển nổi pilot cho Công ty Apatit Việt Nam; Chuyển giao công nghệ sản xuất vít - tuyển thô quặng titan trong tầng cát đỏ...
Theo kết quả đánh giá đầu ra công nghệ, điểm trung bình của Viện là 3,75/5 điểm, cao hơn trung bình các Viện là 3,45 điểm. Các kết quả nghiên cứu có trình độ ngang bằng với các tổ chức quốc tế nên các công nghệ của Viện đủ hấp dẫn để nhanh chóng được chuyển giao và thương mại hóa.
Từng bước nâng cao trình độ chuyên môn
Phát triển nguồn nhân lực luôn là trọng tâm được Vimluki quan tâm thực hiện nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học. Thời gian qua Viện đã tích cực đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các hội nghị, hội thảo,... qua đó đã từng bước nâng cao khả năng chuyên môn, kinh nghiệm phát triển các chương trình KH&CN cũng như tiếp thu các thành tựu KH&CN mới.
Ngoài ra, Viện cũng tích cực hợp tác với các đơn vị quốc tế có công nghệ, trình độ tiên tiến để cùng phát triển các dự án khai thác, chế biến khoáng sản tại Việt Nam.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cùng đoàn công tác tham quan Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim
Chia sẻ về mục tiêu phát triển trong thời gian tới của viện, đại diện Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim cho hay, Viện sẽ tiếp tục phát triển KH&CN về các lĩnh vực khai thác, tuyển khoáng, luyện kim, môi trường công nghiệp, phân tích hóa - lý, chế tạo thiết bị, nấu đúc kim loại, nghiên cứu xử lý, tái chế phế liệu có nguồn gốc khoáng sản. Đồng thời, ứng dụng kết quả nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có hàm lượng KH&CN và giá trị gia tăng cao, từng bước tạo dựng uy tín, thương hiệu trong khu vực và thế giới về lĩnh vực KH&CN khai khoáng.
Để đạt mục tiêu trên, Viện đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, sử dụng nguồn nhân lực một các hiệu quả; tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác với những quốc gia có nền khoa học phát triển có nhiều thành tựu lớn trong lĩnh vực khai khoáng, từng bước đưa sản phẩm của Viện đến với thị trường thế giới. Đồng thời, huy động các nguồn đầu tư để tăng cường xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, nâng cấp máy móc thiết bị nghiên cứu, năng lực cho các phòng thí nghiệm; đầu tư cho các đề tài, dự án nghiên cứu, chế tạo thử nghiệm và ứng dụng triển khai tạo ra sản phẩm có thể thương mại hóa trên thị trường.
Mạnh Thắng
(Bài viết được trích từ https://khcncongthuong.vn/)
(Bài viết được trích từ https://khcncongthuong.vn/)
Danh mục tin tức
Tin mới nhất