Định hướng và khả năng tận thu, xử lý chất thải rắn của một số làng nghề Việt Nam


                                                                        TS. Mai Trọng Ba
Trung tâm Môi trường Công nghiệp

 
Làng nghề là một trong những đặc thù của nông thôn Việt Nam. Nhiều loại hình sản xuất phong phú, đa dạng hình thức tổ chức linh hoạt đã tạo ra lượng hàng hóa, giải quyết việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Cùng với sự phát triển của nền văn minh nông nghiệp từ hàng ngàn năm trước đây, nhiều nghề thủ công đã ra đời tại các vùng nông thôn Việt Nam. Việc hình thành các làng nghề bắt đầu từ những nghề ban đầu được cư dân tranh thủ lúc nông nhàn, những lúc không phải mùa vụ chính.
1. Phân loại làng nghề
Có rất nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau khi đề cập đến tiêu chí để một làng ở nông thôn được coi là một làng nghề. Theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định về phát triển ngành nghề nông thôn, tiêu chí công nhận làng nghề bao gồm:
- Có tối thiểu 20% tổng số hộ trên địa bàn tham gia một trong các hoạt động hoặc các hoạt động ngành nghề nông thôn;
- Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 02 năm liên tục tính đến thời điểm đề nghị công nhận;
- Đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống phải đạt tiêu chí làng nghề nêu trên và có ít nhất một nghề truyền thống theo quy định cụ thể:
- Nghề đã xuất hiện tại địa phương từ trên 50 năm và hiện đang tiếp tục phát triển tính đến thời điểm đề nghị công nhận;
- Nghề tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc;
- Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề.
Các làng nghề của Việt Nam đã tạo ra khoảng 40.500 cơ sở, trong đó tỷ lệ 80,1% là các cơ sở có quy mô hộ gia đình, 5,8% cơ sở có quy mô hợp tác xã, còn lại 4,1% tồn tại dưới hình thức xí nghiệp tư nhân, Công ty TNHH,… Các làng nghề Việt Nam hoạt động dựa trên mối quan hệ tư hữu gắn với quan hệ gia đình, họ hàng và bà con trong làng là chủ yếu và một số làng nghề phát triển sử dụng nhân công tự do từ nơi khác đến.
Một trong những đặc điểm nổi bật của làng nghề Việt Nam đó là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen kỹ giữa khu dân cư hoặc tập trung thành cụm làng nghề, phần lớn trong đó không có ranh giới rõ rệt giữa khu sản xuất và khu sinh hoạt tại cơ sở.
Tuy nhiên, hiện nay cũng đã phát triển sản xuất làng nghề theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhiều địa phương đã quy hoạch, xây dựng các Cụm làng nghề tập trung để tránh sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, góp phần phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Làng nghề ở nước ta được phân theo các loại sau:
- Theo làng nghề truyền thống và làng nghề mới: Cho thấy đặc thù văn hóa, mức độ bảo tồn của các làng nghề, đặc trưng cho các vùng văn hóa lãnh thổ. Các nghề truyền thống như: Gốm, đúc đồng, chạm khắc đá, mây tre đan, sơn mài,…
- Theo quy mô sản xuất: Nhằm xác định trình độ công nghệ và quản lý sản xuất tại các làng nghề, qua đó có thể xem xét tới tiềm năng phát triển, đổi mới công nghệ sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Theo ngành sản xuất, loại hình sản xuất: Nhằm xác định nguồn và mức độ ưu tiên tiêu thụ nguyên liệu, nhiên liệu và phát sinh chất thải sản xuất của làng nghề.
- Theo nguồn thải và mức độ ô nhiễm: Đây là cách phân loại phục vụ mục tiêu đánh giá đặc thù, quy mô các nguồn thải từ hoạt động sản xuất của làng nghề.
- Theo mức độ sử dụng nguyên, nhiên liệu: Nhằm xem xét đánh giá mức độ sử dụng tài nguyên tại các làng nghề, tiến tới có được giải pháp quản lý và kỹ thuật trong sản xuất nhằm giảm lượng tài nguyên sử dụng cũng như hạn chế tới tác động môi trường.
- Theo thị trường tiêu thụ sản phẩm, tiềm năng tồn tại và phát triển: Cách phân loại này xem xét tới các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đối với sự phát triển làng nghề.
Dựa trên các yếu tố tương đồng về sản xuất, sản phẩm, thị trường, nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm làng nghề nước ta chia làm 6 nhóm làng nghề chính:
- Thủ công mỹ nghệ: Gốm, sứ, thủy tinh mỹ nghệ, chạm khắc, sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ, chạm mạ vàng, bạc, thêu, ren,…: 39 %
 - Chế biến lương thực, thực phẩm, chăn nuôi, giết mổ: 20%
 - Dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da: 17%
 - Vật liệu xây dựng và khai thác đá: 5%
 - Tái chế phế liệu (giấy, nhựa, kim loại): 4%
 - Nghề khác (sản xuất nông cụ như cày, bừa, đóng thuyền, làm quạt giấy,…): 15%.
Quy mô sản xuất tại nhiều làng nghề hiện nay vẫn là quy mô nhỏ (hộ gia đình hoặc cụm hộ gia đình), với trình độ kỹ thuật lạc hậu chủ yếu là thủ công, bán cơ khí, chưa có làng nghề nào áp dụng tự động hóa. Quy mô nhỏ và công nghệ sản xuất lạc hậu là một trong những nguyên nhân dẫn đến vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề nghiêm trọng hiện nay.
2. Chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của một số làng nghề tái chế phế liệu
Hiện trạng quản lý chất thải rắn tại các làng nghề hiện đang tồn tại những vấn đế chính sau đây:
- Chất thải rắn phát sinh từ các làng nghề tái chế là những chất có thành phần phức tạp, nguy hại, khó phân hủy. Chất thải rắn tại hầu hết làng nghề không được thu gom hết và xử lý triệt để, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
- Người lao động tại các cơ sở tái chế có sự hiểu biết kém về các nguy cơ rủi ro tới môi trường và sức khỏe.
- Các chủ cơ sở tái chế không trang bị các phương tiện bảo hộ cho người lao động. Trách nhiệm của các hộ sản xuất đối với tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường chưa cao. Do đặc thù của làng nghề, hầu hết các chủ cơ sở tái chế có trình độ văn hóa hạn chế (có tới 85% mới học hết cấp 2), do vậy khả năng quản lý và tổ chức sản xuất bị hạn chế.
- Đầu tư ngân sách cho bảo vệ môi trường làng nghề chưa đáp ứng với thực yêu cầu đầu tư cho các công trình xử lý ô nhiễm.
3. Xây dựng chương trình tái sử dụng và xử lý chất thải rắn từ làng nghề
Từ các hoạt động sản xuất, hiện trạng môi trường làng nghề hiện nay, cùng với chương trình quản lý môi trường tại các địa phương, cần thiết phải xây dựng dựng chương trình tái sử dụng và xử lý chất thải rắn từ làng nghề nhằm đảm bảo chất lượng môi trường làng nghề và phát triển sản xuất bền vững, cụ thể:
3.1. Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách tận thu tái sử dụng chất thải
- Xây dựng, hoàn thiện nhóm cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp xử lý chất thải rắn làng nghề; hỗ trợ ưu đãi đối với các doanh nghiệp sử dụng phế liệu, phế thải làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sản phẩm khác như sản xuất vật liệu xây dựng, làm đường giao thông, hoặc ngành công nghiệp khác;
- Xây dựng nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệu tận thu;
- Xây dựng, đề xuất Nhà nước quy định ưu đãi về thuế, phí, vốn vay đối với các hoạt động xây dựng cơ sở xử lý chất thải, giúp thúc đẩy các hoạt động xã hội hóa trong công tác quản lý chất thải rắn công nghiệp nói chung hiện nay, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư tham gia công tác thu gom, xử lý chất thải rắn đặc thù làng nghề với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường;
- Xây dựng, hoàn thiện, hướng dẫn quy trình thẩm định, đánh giá, công bố công nghệ xử lý chất thải rắn làng nghề;
- Xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn làng nghề;
- Xây dựng, chỉ đạo chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch về quản lý chất thải rắn đặc thù trong chương trình quản lý chất thải rắn từ cấp địa phương;
- Xây dựng các quy định chất thải phát sinh trong làng nghề có thể được sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất khi đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật về sản phẩm, hàng hóa; chất thải có khả năng tái chế không phải trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý để thúc đẩy phân loại chất thải tại nguồn, giảm lượng chất thải phát sinh và thúc đẩy thu hồi, tái chế chất thải;
- Đánh giá, tổng hợp, thống kê khối lượng, thành phần chất thải rắn làng nghề, đánh giá năng lực thu gom, vận chuyển, tận thu và tái sử dụng chất thải làng nghề; nghiên cứu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin về phát sinh, quản lý và xử lý chất thải rắn trong làng nghề.
3.2. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyên giao khoa học-công nghệ tận thu, tái sử dụng chất thải rắn làng nghề
- Tăng cường nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hướng dẫn kỹ thuật và áp dụng phương pháp, công nghệ kỹ thuật sẵn có tốt nhất hiện có (BAT), thực hành môi trường tốt nhất (BEP) cho các làng nghề và cơ sở tận thu, tái sử dụng chất thải làng nghề nhằm tận thu triệt để nguồn tài nguyên, đem lại giá trị kinh tế và giá trị về mặt môi trường, xã hội.
- Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học-công nghệ về tận thu, tái sử dụng chất thải làng nghề;
- Nghiên cứu, xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn trong làng nghề áp dụng các hệ thống quản lý môi trường (EMS, ISO 14001), hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001);...
- Nghiên cứu, xây dựng danh mục chất thải rắn làng nghề có thể tận thu, tái sử dụng, tuần hoàn;
3.3. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, hợp tác quốc tế liên quan chương trình tận thu, tái sử dụng chất thải rắn làng nghề
- Xây dựng các chương trình, tài liệu, tổ chức phổ biến, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng  cho cán bộ, nhân viên trong quản lý, tận thu và tái sử dụng chất thải trong làng nghề;
- Tổ chức các cuộc thi và trao giải thưởng về các sáng kiến tốt, giới thiệu các sản phẩm tái sử dụng đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế;
- Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngắn hạn và dài hạn; các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực quản lý chất thải cho cán bộ phụ trách lĩnh vực;
- Xây dựng, phổ biến thông tin, cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về hoạt động tận thu tái sử dụng chất thải làng nghề;
- Kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm từ các hoạt động tái sử dụng chất thải đặc thù làng nghề;
 - Lồng ghép nội dung tận thu, tái sử dụng chất thải làng nghề vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương;
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng các chương trình kết nối doanh nghiệp tận thu tái sử dụng chất thải làng nghề; với các tổ chức quốc tế về kinh tế tuần hoàn, sản xuất bền vững trong khu vực và quốc tế.
Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã thực hiện một số nghiên cứu, dự án liên quan đến tận thu, xử lý và xây dựng chương trình quản lý chất thải làng nghề. Kết quả một số nghiên cứu, thực hiện dự án bước đầu đã được áp dụng thành công tại mốt số làng nghề tại Bắc Ninh.

Một số hình ảnh trong quá trình thực hiện nghiên cứu, dự án
 

 
Hình 1. Lấy mẫu và khảo sát tại làng nghề Đại Bái và làng nghề Văn Môn
 

 
Hình 2. Lấy mẫu và khảo sát tại làng nghề mây tre đan Xuân Hội và Lập Ái

Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Phương Loan, Lựa chọn công nghệ trong Quản lý chất thải rắn bền vững, 2017.
2. Tái cơ cấu làng nghề theo hướng phát triển bền vững, Hoàng Văn Niên, Tạp chí Môi trường, số 04, 2020.