Đất hiếm và kết quả khảo sát một số chỉ tiêu công nghệ tại nhà máy tuyển quặng đất hiếm Yên Phú, Yên Bái


 
ThS. Trần Thị Hiến, ThS. Phạm Đức Phong
Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim

Đất hiếm (REE = rare earth element) theo quy ước là nhóm 17 nguyên tố hóa học, bao gồm scandi (21Sc), yttri (39Y), lanthan (57La), ceri (58Ce), praseodymi (59Pr), neodymi (60Nd), promethi (61Pm), samari (62Sm), europi (63Eu), gadolini (64Gd), tecbi (65Tb), dysprosi (66Dy), holmi (67Ho), ecbi (68Er), thuli (69Tm), yttecbi (70Yb) và luteti (71Lu).

Hình 1. Các nguyên tố đất hiếm trong bảng hệ thống tuần hoàn.
Đất hiếm là một loại khoáng sản đặc biệt, các nguyên tố đất hiếm có vai trò rất quan trọng được sử dụng cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau và là vật liệu chiến lược đối với sự phát triển của các ngành kỹ thuật mũi nhọn, công nghệ cao như điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang, công nghiệp hóa chất; môi trường. Các nguyên tố đất hiếm được dùng để sản xuất các chất xúc tác, nam châm, hợp kim, bột mài, gốm, chất phát quang. Việc chế tạo các nam châm, thiết bị điện thoại di động thông minh, màn hình tivi, ổ đĩa cứng máy tính... không thể không dùng đến các nguyên tố đất hiếm. 
Ở Việt Nam, các mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn phải kể đến như: Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai), Yên Phú (Yên Bái)… với tổng trữ lượng dự báo khoảng 22 triệu tấn, là một trong 6 nước (Trung Quốc, Brazil, Việt Nam, Nga, Ấn Độ, Úc) có trữ lượng đất hiếm lớn trên thế giới... Nhu cầu nguyên liệu quặng tinh đất hiếm từ các mỏ đất hiếm ở Việt Nam là rất lớn, trong nước đã có một số công ty đang tiến hành sản xuất, tái chế, thu hồi các nguyên tố đất hiếm với tổng công suất khoảng 15.000 tấn/năm oxit đất hiếm riêng rẽ, các nguồn nguyên liệu tại các nhà máy này vẫn đang được nhập khẩu là chủ yếu.
Để đánh dấu sự phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng đất hiếm trong nước, Công ty cổ phần Đất hiếm Yên Phú đã xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy tuyển quặng đất hiếm Yên Phú tại Thôn 11, Xã Yên Phú, Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Đến thời điểm hiện nay, đây là nhà máy duy nhất ở Việt Nam đang khai thác, chế biến và cung cấp sản phẩm quặng tinh đất hiếm. Ngoài thu được sản phẩm quặng tinh đất hiếm Công ty còn thu được quặng tinh sắt đạt chất lượng thương phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, trong thời gian đầu đi vào hoạt động, qua thực tế khảo sát có một số đánh giá chỉ tiêu tuyển như sau:
- Tiêu hao hóa chất, thuốc tuyển ở các khâu tuyển nổi không ổn định, có sự biến động lớn giữa các lần khảo sát. Về tiêu hao hóa chất trung bình các ca, thấy rằng tiêu hao thuốc tuyển có sự khác biệt, đặc biệt tiêu hao thuốc tập hợp Berol 2014 rất nhỏ (~130g/t)  so với Báo cáo kết quả nghiên cứu (600 g/t).
- Do cấp liệu và hệ thống nghiền - phân cấp không ổn định, nên trực tiếp ảnh hưởng đến các khâu công nghệ tiếp theo. Đặc biệt khâu tuyển nổi, lượng bọt ở khâu tuyển chính nhiều và dai. Tại nhiều thời điểm trong ca, lượng bọt này tự trào lên cùng với bùn quặng ra khỏi ngăn máy tuyển nổi.
- Dựa trên số liệu phân tích quặng nguyên khai, quặng thải, quặng tinh đất hiếm tại Công ty từ ngày 22/01/2019 đến 28/02 năm 2019, nhóm khảo sát đã tính toán, đưa ra biểu đồ giữa các ngày về hàm lượng quặng nguyên khai, thải, quặng tinh đất hiếm như hình 2.
 
Hình 2. Đồ thị biểu diễn các chỉ tiêu tuyển đất hiếm Yên Phú tại thời điểm 22/1-28/2/2019
Nhận xét: Kết quả trung bình giữa các ngày khảo sát cho thấy, quặng nguyên khai có hàm lượng trung bình 1,23 % ƩTR2O3, quặng thải có hàm lượng cao ~1,01% ƩTR2O3, quặng tinh đất hiếm có hàm lượng ~23% ƩTR2O3, thực thu đất hiếm theo tính toán lý thuyết mới đạt khoảng 30%-35% TR2O3.