Đánh giá khả năng chế biến quặng sắt đêluvi mỏ Quý Xa trong điều kiện hiện nay


Mỏ sắt Quý Xa nằm trên địa bàn xã Sơn Thuỷ, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Khu vực mỏ cách thị trấn Văn Bàn 7 km, cách ga tầu hoả Bảo Hà 14 km, cách khu công nghiệp Tằng Loỏng 26 km, cách TP Lào Cai khoảng 70 km về phía Đông Nam.
Mỏ sắt Quý xa có tổng trữ lượng và tài nguyên quặng sắt là 121.921,425 nghìn tấn. Căn cứ đặc trưng kết cấu và tổ thành khoáng vật, phân 2 loại quặng gốc và quặng Deluvi. Trong đó Deluvi lẫn đất sét phong hoá. Cấu thành loại khoáng vật quặng gốc chủ yếu là Goethite, một ít Hêmatít và Psilomelan, quặng gốc ở thân quặng chính có tỷ lệ như sau:  Quặng limonit cứng chiếm 79,44 % tổng trữ lượng thân số 1; Limonit thuần mềm chiếm 8,08 %; Limonit không thuần mềm chiếm 8,0%; Đá kẹp ở quặng sắt nghèo, đá mảnh ngậm sắt bị ăn mòn và loại khác chiếm 4,47 %.
Kết quả nghiên cứu tuyển sơ đồ sử dụng thiết bị sàng quay đánh tơi hoặc máy rửa cánh vuông kết hợp phân cấp ruột xoắn thu hồi sản phẩm quặng tinh Fe trong cấp hạt thô, cấp hạt mịn tiếp tục được xử lý thu hồi Fe bằng phương pháp nung từ hóa - tuyển từ. Kết quả thu được từ quy trình tuyển là sản phẩm quặng tinh Fe tổng hợp có hàm lượng khoảng 52%. Sơ bộ tính toán cho thấy: Đối với thị trường giá cả quặng sắt hiện nay, việc đầu tư khâu nung từ hóa - tuyển từ để thu hồi Fe trong cấp hạt mịn là không hiệu quả kinh tế.
Dự án khai thác – chế biến quặng sắt mỏ Quý Xa đã đi vào hoạt động, tuy nhiên phần xử lý quặng đeluvi chưa được đầu tư. Năm 2014, Dự án ĐTXD xưởng tuyển rửa quặng đêluvi tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh. Qua nghiên cứu công nghệ, lập các thiết kế dự án, thấy rằng: Nếu muốn tận thu tài nguyên thì quy trình công nghệ xử lý quặng đêluvi khá phức tạp và hiệu quả kinh tế rất thấp; Khi tận thu một phận quặng đêluvi thì có thể đầu tư dây chuyền tuyển rửa đơn giản hơn, nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội cũng không cao và công tác xử lý môi trường khá tốn kém.
Sơ đồ công nghệ được lựa chọn như sau: Quặng Deluvi từ mỏ được vận chuyển về xưởng đổ vào bunke tiếp liệu có sàng song. Sử dụng súng bắn nước cao áp để đánh tơi quặng, bùn quặng sau đó được sàng tách cấp hạt nhỏ, cấp hạt lớn được đập giảm kích thước hạt xuống dưới 50 mm và giải phóng kết hạch. Toàn bộ quặng tiếp tục đánh tơi và rửa trong máy rửa cánh vuông. Quặng sau rửa được sàng phân loại thu sản phẩm 8mm, sản phẩm dưới sàng và bùn tràn máy rửa cánh vuông tiếp tục được rửa qua máy phân cấp ruột xoắn để thu sản phẩm 0,15 mm. Bùn tràn phân cấp xoắn được cô đặc thu nước tuần hoàn, còn bùn thải được bơm ra bãi thải bùn. Sơ đồ công nghệ xem hình 1.
Hình 1. Sơ đồ công nghệ tuyển quặng sắt deluvi
Kết luận
Quặng đêluvi mỏ Quý Xa là loại quặng sắt hàm lượng thấp, chiếm chỉ khoảng 5% trữ lượng toàn mỏ và là loại quặng khó tuyển. Để tận thu tài nguyên và làm giàu quặng đêluvi lên > 50% Fe đòi hỏi phải đầu tư dây chuyền công nghệ tương đối phức tạp, chi phí lớn. Hiện nay, các thuế, phí được tính trên giá sản phẩm bán ra, mà chưa được tách bạch chi phí khai thác và chi phí nghiền tuyển, cho nên càng khai thác quặng nghèo thì tiền thuế, phí càng cao.
Những năm qua, thị trường quặng sắt trên thế giới đang chiều hướng giảm sâu, chưa có dự báo tăng trưởng gần. Bên cạnh đó, sản xuất ngành thép trong nước cũng không phát triển, quặng sắt nghèo mỏ Quý Xa có thể nói là không có thị trường tiêu thụ khả quan, năng lực cạnh tranh thấp. Địa chỉ tiêu thụ trong nước duy nhất là thị trường nội bộ của Công ty VTM (cấp nguyên liệu cho NM thép Tằng Loỏng), nhưng quặng Quý Xa nói chung không đáp ứng yêu cầu, phải phối trộn với loại nguyên liệu quặng sắt chất lượng cao. Tổng trữ lượng quặng sắt mỏ Quý Xa hơn 121 triệu tấn, trong khi đó nhu cầu cấp cho NM thép Tằng Loỏng giai đoạn 1 chỉ khoảng 900 ngàn tấn/năm.
Để tận thu hết tài nguyên thì dây chuyền tuyển quặng đêluvi Quý Xa phải đầu tư rất lớn (từ khâu tuyển rửa, đến nung từ hóa – tuyển từ, xử lý môi trường, hồ chứa thải bùn,…). Chỉ đầu tư khâu rửa quặng thì giá thành sản xuất trung bình khoảng gần 27 USD/t, trong khi đó giá bán thị trường nội địa chỉ có thể từ 19 – 24 USD/tấn, và do đó không thể có hiệu quả kinh tế trong điều kiện hiện nay.
Nếu đánh giá tổng hợp về kinh tế - kỹ thuật, thì giai đoạn này quặng đêluvi mỏ Quý Xa chưa thể tiến hành khai thác – chế biến nâng cao hàm lượng, và có thể xem khối lượng quặng này mới chỉ là “tài nguyên” chưa đạt mức gọi là “trữ lượng”; và chưa thể tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở tuyển – làm giàu để đưa quặng đêluvi trở thành sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.