Một số vấn đề về quản lý an toàn hồ thải quặng đuôi


Quặng đuôi là loại chất thải được hình thành trong quá trình tuyển quặng, bao gồm cả dạng rắn và lỏng. Quặng đuôi thải thường đã trải qua một hoặc nhiều quá trình xử lý hoá - lý và chứa một hay nhiều phụ gia công nghiệp dùng trong quá trình tuyển khoáng. Các loại quặng đuôi này thường được thải vào hồ, đập thải quặng đuôi.
Các hồ và đập thải quặng đuôi có khả năng gây ô nhiễm cao do chứa nhiều chất độc hại. Chất ô nhiễm ở các khu vực đó chủ yếu là các kim loại nặng, hóa chất, nước thải axit mỏ, chất rắn lơ lửng, v.v. Ngành khai thác chế biến khoáng sản còn là một trong những ngành công nghiệp gây ra nhiều sự cố môi trường nhất và các sự cố đã xảy ra ở hầu hết các quốc gia có hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Các sự cố môi trường trong ngành chế biến khoáng sản thế giới chủ yếu liên quan đến các đập/hồ thải chứa quặng đuôi từ chế biến các loại khoáng sản khác nhau. Hậu quả là thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của dân sống quanh khu vực.
Ở nước ta, theo các đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì ngành công nghiệp chế biến khoáng sản trong nước đang gây ô nhiễm và suy thoái môi trường rất nghiêm trọng. Các chất độc hại bao gồm các kim loại nặng, axit, sulphate, v.v. từ chất thải đã theo nguồn nước từ khu vực mỏ gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm.
Ngành chế biến khoáng sản ở Việt Nam đã xảy ra nhiều sự cố liên quan đến hồ thải quặng đuôi. Thời tiết mưa bão đã làm tràn và vỡ thân đập hồ thải hoặc rò rỉ nước trong hồ, đập thải quặng đuôi gây sự cố ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh và rủi ro về tài sản và tính mạng con người.
Ảnh hưởng do sự cố tràn chất thải hoặc sự cố chất ô nhiễm phát sinh từ chất thải chứa trong các hồ, đập thải quặng đuôi này đã tác động đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng ngay trong quá trình hoạt động chế biến và kéo dài cả khi đã ngừng hoạt động (đóng cửa mỏ). Vì vậy, việc đánh giá hiện trạng, mức độ tác động tới môi trường từ các khu vực này là hết sức cần thiết, nhằm đề xuất các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực liên quan đến sự cố và ô nhiễm môi trường.
Kết quả khảo sát từ các Sở Công Thương cho thấy, đối với 06 loại khoáng sản nghiên cứu, cả nước hiện có 120 hồ thải quặng đuôi (với 109 đập chắn bãi thải) thuộc 59 doanh nghiệp tuyển quặng đang hoạt động trên địa bàn 16/63 tỉnh, thành phố. Trong số 59 doanh nghiệp tuyển quặng có 31 doanh nghiệp tuyển quặng sắt, 15 doanh nghiệp tuyển quặng chì - kẽm, 6 doanh nghiệp tuyển quặng thiếc, 4 doanh nghiệp tuyển quặng đồng, 1 doanh nghiệp tuyển quặng apatit, 2 doanh nghiệp tuyển quặng bô-xít.
 
Hình 1. Số lượng hồ chứa quặng đuôi tại các tỉnh, thành phố
Theo Biểu đồ có thể nhận thấy, đa số các hồ, đập quặng đuôi nằm trên địa bàn các tỉnh miền núi phía bắc. Ước tính số lượng hồ thải trên 04 tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai đã chiếm trên 50% tổng số hồ thải quặng đuôi trên cả nước trong đó Bắc Kạn là địa phương có nhiều hồ đập quặng đuôi nhất với 21 hồ chứa.
Về số lượng hồ chứa theo từng loại khoáng sản, tổng hợp số liệu cho thấy đa số là hồ thải quặng sắt với 63 hồ, chiếm trên 50% tổng số hồ thải, tiếp theo là hồ thải quặng chì - kẽm (33 hồ), quặng thiếc (11 hồ).
 
Hình 2. Phân loại số lượng các hồ chứa theo loại quặng thải
Về dung tích hồ chứa: Các hồ chứa có dung tích đa dạng từ vài chục nghìn đến hàng triệu m3 tuỳ thuộc vào công suất khai thác trong đó đa số các hồ chứa có dung tích vài trăm m3. Trên cả nước hiện có 10 hồ chứa có dung tích trên 1 triệu m3 thuộc 7 công ty trên địa bàn 5 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên, Đắc Nông, Lâm Đồng trong đó có 8 hồ đã đi vào hoạt động, chứa lượng bùn từ 30 đến 100% dung tích hồ chứa.
Trong khoảng thời gian 2011 - 2014 đã xảy ra 4 vụ vỡ đập ảnh hưởng đến môi trường xung quanh: Công ty Khoáng sản và Luyện kim Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng), Công ty Nhôm Lâm Đồng (tỉnh Lâm Đồng), Công ty Apatit Việt Nam ( tỉnh Lào Cai), Công ty Đầu tư và Khoáng sản Tây Bắc (tỉnh Yên Bái), v.v. Các vụ vỡ đập này không gây thiệt hại về người, tuy nhiên đều ít nhiều ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, nhà cửa của người dân sống xung quanh.
Từ thực tế nêu trên, có thể thấy rằng, vấn đề quản lý an toàn hồ thải quặng đuôi cần phải được đầu tư nghiên cứu đúng mức, cả trên lĩnh vực pháp lý và kỹ thuật vận hành, trách nhiệm của doanh nghiệp khi xảy ra sự cố.

Đinh Văn Tôn – Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim