Thảo luận, góp ý một số quy định tại dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường 2020 dưới góc nhìn từ hoạt động khoáng sản


Nguyễn Thúy Lan
Trung tâm Môi trường Công nghiệp – Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim
Email: lan@cie.net.vn
Đào Văn Hiền
Khoa Môi trường - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, VNU
 
                                                                   
TÓM TẮT
 Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều Luật BVMT 2020 được Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo dựa trên Quyết định số 2197/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2020 và Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, Dự thảo nghị định đang được Bộ TNMT đăng tải trên cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi nhằm hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan. Bài báo trình bày các ý kiến trao đổi, góp ý của nhóm tác giả về một số nội dung tại Dự thảo nghị định để Bộ TNMT xem xét, nghiên cứu trước khi ban hành nghị định dưới góc nhìn của hoạt động khoáng sản.
Từ khóa: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự thảo Nghị định, hoạt động khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường 2020.
 1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngày 17 tháng 11 năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi (Luật BVMT 2020) đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 [1]. Để hướng dẫn triển khai thi hành Luật, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT) xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Dự thảo Nghị định) [4] tại Quyết định số 2197/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2020 và Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ [2,3]. Dự thảo nghị định sẽ trình Chính phủ ban hành trong năm 2021, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật BVMT 2020.
Ngày 15 tháng 6 năm 2021, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 đã được Bộ TNMT đăng toàn văn trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ TNMT để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Dự thảo Nghị định tương đối đồ sộ, gồm 13 chương, 197 điều và 87 phụ lục kèm theo với độ dày trên 500 trang, quy định khá chi tiết các điều thuộc thẩm quyền của Chính phủ quy định trong Luật BVMT 2020. Một trong các quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị định được Bộ TNMT xác định là bảo đảm phù hợp với thực tế, tính hợp lý, nâng cao tính minh bạch, tính khả thi và chủ trương cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành. Về cơ bản nhiều nội dung quy định tại Dự thảo Nghị định tương đối hợp lý, có cơ sở khoa học, thực tiễn, có tính kế thừa và có nhiều đổi mới và bổ sung rất nhiều nội dung mới so với các quy đinh trước đây. Mặc dù vậy, có một số nội dung trong Dự thảo Nghị định còn nhiều điểm chưa cụ thể, chưa rõ ràng, có nhiều nội dung còn thiếu cơ sở khoa học hoặc chưa phù hợp, cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng và sớm đi vào hiệu lực sau khi được ban hành.
Hoạt động khoáng sản bao gồm các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản. Theo Luật BVMT thì tất cả các hoạt động khoáng sản đều phải tuân thủ các quy định liên quan theo hướng dẫn tại nghị định dưới Luật. Bài báo trình bày một số ý kiến trao đổi, góp ý cho Dự thảo Nghị định bao gồm một số vấn đề có liên quan trực tiếp đến các hoạt động khoáng sản.
 2. THẢO LUẬN, TRAO ĐỔI
Qua nghiên cứu Dự thảo nghị định, nhóm tác giả có một số ý kiến bàn luận, trao đổi, góp ý như sau:
2.1 Về cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản
Trên thực tế, hoạt động khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, như phá hoại môi trường đất, làm biến dạng địa mạo và cảnh quan khu vực, làm tăng diện tích đất trống đồi trọc, giảm diện tích rừng, gây ra hiện tượng xói lở, bồi lắng, gây ô nhiễm bụi nghiêm trọng, đồng thời còn gây ô nhiễm môi trường nước, tác động xấu tới chế độ thuỷ văn khu vực, .v.v. Quy định về cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khoáng sản đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2005. Đây là chế tài quan trọng, gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên sẽ phải dành ra một khoản kinh phí để cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác, tránh các tác động xấu lâu dài tới môi trường. Quy định này thể hiện tại điểm b, c khoản 2 Điều 67 Luật BVMT 2020, tương ứng được Dự thảo Nghị định quy định chi tiết tại Điều 44 và Điều 45. Một số nội dung trong Dự thảo Nghị định được đề nghị Ban soạn thảo nghị định xem xét và nghiên cứu như sau:
  • Đề nghị làm rõ việc có quy định cụ thể hơn đối với các trường hợp dự án thay đổi công suất, thời gian khai thác nhưng không thay đổi phương án cải tạo phục hồi môi trường thì có được xem xét là thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt theo điểm b khoản 2 Điều 67 hay không;
  • Đề nghị bổ sung hướng dẫn đối với trường hợp trả lại mỏ khoáng sản nhưng không đóng cửa mỏ (vì mỏ khoáng sản vẫn còn trữ lượng, tiếp tục cho đơn vị khác khai thác), thì việc xử lý số tiền ký quỹ mà tổ chức khai thác trước đã nộp thực hiện như thế nào;
  • Đề nghị bổ sung hướng dẫn trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (đã nộp tiền ký quỹ) ngừng hoạt động nhưng không có quyết định giải thể cũng không phá sản thì việc thực hiện xử lý tiền ký quỹ, thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sẽ tiến hành như thế nào;
  • Tại điểm c khoản 4 Điều 45 quy định “Trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản có thời gian khác với thời gian đã tính trong Phương án đã phê duyệt thì tổ chức, cá nhân điều chỉnh nội dung và tính toán lại số tiền ký quỹ”, đề nghị bổ sung hướng dẫn đối với việc điều chỉnh lại nội dung Phương án trong trường hợp này.
  • Trường hợp các khu vực như moong khia thác, bãi thải không thể trồng cây lâu năm thì đề nghị cần quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền trồng rừng thay thế để trồng cây nơi khác sau khi công tác cải tạo đảm bảo an toàn.
  • Trong quá trình khai thác khoáng sản, một số dự án có tuổi thọ mỏ lớn hơn thời gian được cấp phép khai thác khoáng sản. Đề nghị cần có quy định cụ thể đối với trường hợp khu vực mỏ đã ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và tiếp tục khai thác trên phần diện tích sau khi hết thời hạn khai thác khoáng sản của giấy phép trước đó.
2.2 Về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư
Khoản 2 Điều 53 Luật BVMT 2020 đã giao Chính phủ quy định khoảng cách an toàn về môi trường của một số loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đối với khu dân cư. Dự thảo Nghị định đã xây dựng chi tiết hướng dẫn thi hành tại Điều 62 tương ứng. Tại đây, khoảng cách an toàn về môi trường được quy định “là khoảng cách tối thiểu từ nguồn phát thải trong điều kiện hoạt động bình thường của cơ sở sản xuất và kho tàng thuộc danh mục theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Dự thảo Nghị định này đến ranh giới công trình nhà ở hợp pháp gần nhất của khu dân cư nông thôn tập trung, nội thành, nội thị của các đô thị theo quy định của pháp luật về phân loại đô thị để đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường”.  Theo Phụ lục 6 (Danh mục các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường), các cơ sở “Làm giàu, chế biến khoáng sản độc hại, khoáng sản kim  loại, chế biến khoáng sản có sử dụng hóa chất độc hại” và “Sản xuất gang, thép, luyện kim (trừ cán, kéo, đúc từ phôi nguyên liệu)” đều thuộc nhóm cơ sở phải tuân thủ quy định về khoảng cách với khu dân cư. Việc quy định về khoảng cách này có rất nhiều bất cập không những đối với nhiều hoạt động sản xuất khác mà đặc biệt đối với hoạt động khoáng sản. Các cơ sở khai thác khoáng sản thường có diện tích sử dụng đất rất lớn, các nguồn ô nhiễm chủ yếu là nguồn diện (như khai trường, nhà máy tuyển quặng) hoặc các nguồn điểm (như bãi thải đất đá, đập thải quặng đuôi), với khoảng cách giữa các vị trí rất xa nhau. Do vậy đề nghị làm rõ:
  • Việc đưa ra khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư là một vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật BVMT 2014. Theo yêu cầu của Dự thảo Nghị định thì phải dựa vào khoảng cách an toàn theo quy định về quy hoạch xây dựng và quy định chuyên ngành do các Bộ, ngành ở Trung ương ban hành. Tuy nhiên hiện nay các quy định của các Bộ, ngành cấp trung ương còn chưa đầy đủ. Ví dụ đối với các cơ sở khai thác khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, Bộ Công Thương mới quy định về khoảng cách an toàn từ vị trí nổ mìn đến các công trình tại Thông tư 32/2019/TT-BCT ngày 21/11/2019;
  • Đề nghị làm rõ việc dựa vào nguồn thải nào để xác định khoảng cách an toàn với khu dân cư;
  • Làm rõ công cụ kỹ thuật nào được áp dụng để xác định khoảng cách từ cơ sở khai thác tới khu dân cư, ví dụ bằng công cụ bản đồ, công cụ mô hình tính toán hay bằng đo đạc thực địa;
  • Khái niệm về khu dân cư nông thôn tập trung, nội thành, nội thị của các đô thị cũng chưa rõ ràng; Trường hợp nhà/khu nhà dân hiện hữu hợp pháp không thuộc nhóm trên có được xem xét để tính khoảng cách hay không? Số hộ dân tối thiểu của khu dân cư được đưa vào xem xét khi tính toán khoảng cách;
  • Làm rõ đối với trường hợp cơ sở vi phạm khoảng cách này trước khi Luật BVMT 2020 có hiệu lực thì sẽ  xử lý  thế nào;
  • Đối với một số cơ sở khai thác khoáng sản có kho chứa vật liệu nổ công nghiệp, do vậy cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về khoảng cách an toàn;
  • Hiện nay, do việc lập các quy hoạch phát triển công nghiệp và quy hoạch đô thị, khu dân cư còn thiếu đồng bộ, do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến việc tuân thủ các quy định về khoảng cách an toàn. Đề nghị Ban soạn thảo nghị định cân nhắc, xem xét yếu tố này để xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể hơn để doanh nghiệp, địa phương thống nhất áp dụng.

2.3 Về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường
Theo Luật BVMT 2020 “sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc do biến đổi bất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng”. Trong những năm gần đây, sự cố môi trường trong nước xảy ra thường xuyên và có xu hướng gia tăng [6], điển hình có sự cố môi trường của Công ty Formosa và hàng trăm sự cố tràn dầu xảy ra từ năm 1989 đến nay [5]. Ngành khai thác và chế biến khoáng sản là một trong những ngành công nghiệp gây nhiều sự cố môi trường. Một số sự cố liên quan đến các đập chứa quặng đuôi thải dưới điều kiện thời tiết mưa bão đã làm tràn và vỡ thân đập thải hoặc sự cố trượt lở bãi thải đất đá gây chết người như sự cố trượt lở đồi bãi thải Kép Ky Mỏ Mangan Tốc Tát, Cao Bằng năm 1992 làm chết 200 người hoặc sự cố vào tháng 7 năm 2015 trong đợt mưa lũ lịch sử khiến sạt lở nhiều bãi thải than vùng than Quảng Ninh (mỏ than Đông Cao Sơn, Cẩm Phả), hàng nghìn mét khối đất đá, xỉ than trượt xuống khu dân cư khiến hơn 100 ngôi nhà bị chôn vùi, thiệt hại hết sức nặng nề [7].
Công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường vì thế luôn được xem là một vấn đề cấp thiết. Liên quan đến công tác này, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt kể từ sau khi Luật BVMT năm 2005 ra đời. Tiếp đó một số luật chuyên ngành khác như: Luật Hóa chất 2007, Luật Luật Tài nguyên nước năm 2012, Bộ Luật Hàng hải năm 2015, Luật Tài nguyên môi trường biển, hải đảo năm 2015; Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 và hàng loạt các văn bản dưới luật khác có liên quan trực tiếp tới công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường. Như vậy có thể thấy hành lang pháp lý rất lớn cho công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Hiện nay, Chính phủ và bộ, ngành đã ban hành một số quy định về ứng phó sự cố hóa chất, tràn dầu, chất thải, gồm: Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05 tháng 8 năm 2013 quy định về Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp; Quyết định số 26/2016/-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2016 về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố hóa chất độc; Quyết định số 09/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 về Quy chế ứng phó sự cố chất thải; Quyết định số 12/2021/-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 về Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu; v.v
Tại Điều 121 của Luật BVMT 2020 giao Chính phủ quy định chi tiết việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Tại Dự thảo Nghị định tương ứng (Điều 130-132), nội dung kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia và trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương đối với công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cũng đã được quy định. Tuy nhiên như phân tích ở trên, một số ý kiến cần thảo luận, trao đổi quanh vấn đề này như sau:
- Tại Điều 121 khoản 6 Luật BVMT 2020 quy định: “Việc phòng ngừa sự cố môi trường do rò rỉ, tràn đổ, phát tán chất thải (sau đây gọi chung là sự cố chất thải) được thực hiện theo quy định của Luật này. Việc phòng ngừa sự cố môi trường do hóa chất, phóng xạ, dầu tràn, dịch bệnh và do nguyên nhân khác được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.”. Do vậy, đề nghị xem xét quy định hướng dẫn về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong Dự thảo Nghị định cho phù hợp, đề xuất chỉ quy định về “phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải” để phù hợp với quy định trên;
- Khoản 3 Điều 121 Luật BVMT năm 2020 giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung “Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm ứng phó sự cố môi trường, chi trả chi phí ứng phó sự cố môi trường”. Tuy nhiên Dự thảo Nghị định chưa cụ thể. Đề nghị quy định chi tiết nội dung này để làm rõ các nội dung như: phương pháp tính toán chi phí ứng phó sự cố, tổ chức nào có trách nhiệm tính toán và tiếp nhận chi phí ứng phó này, nguồn kinh phí để chi ứng phó v.v
- Đề nghị nghiên cứu, tích hợp và lồng ghép các nội dung trong quy chế ứng phó sự cố chất thải đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 09/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 với quy định về sự cố môi trường cũng như xem xét tích hợp quy định về sự cố hóa chất, sự cố tràn dầu vào chung với sự cố môi trường;
- Đề nghị hướng dẫn chi tiết nội dung quy định tại Điểm b, Khoản 6 Điều 124 của Luật BVMT 2020 “Kế hoạch ứng phó sự cố môi trường quy định tại điểm d khoản 4 Điều này được lồng ghép, tích hợp và phê duyệt cùng kế hoạch ứng phó sự cố khác”. Đồng thời, làm rõ “kế hoạch ứng phó sự cố khác” là gì.

2.4 Về phát triển kinh tế tuần hoàn
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được đề cập trong các quy định của nhiều nước. Ví dụ như Đức có Luật về Quản lý chất thải và Chu trình khép kín ban hành từ năm 1996. Nhật  Bản  ban hành Luật Cơ bản cho việc thành lập một xã hội dựa trên tái chế từ năm 2002 và Trung Quốc đã có Luật Xúc tiến kinh tế tuần hoàn năm 2008. Ở Việt Nam khái niệm KTTH lần đầu tiên đã được đưa vào Luật BVMT 2020. Điều 141 của Luật BVMT 2020 giao Chính phủ xây dựng tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH, tương ứng đã được quy định chi tiết ở Điều 162-165 của Dự thảo Nghị định. Đây là vấn đề có tác động nhiều đến ngành mỏ, đặc biệt trong bối cảnh ngành này có khối lượng đất đá thải, quặng đuôi và nước thải rất lớn có thể tuần hoàn, tái sử dụng [7, 8].
Đất đá thải ngành khai thác khoáng sản là rất lớn, đơn cử của ngành than trung bình ước tính thải ra khoảng 150 triệu m3/năm [8]. Theo nguyên tắc của KTTH là biến chất thải thành tài nguyên, thì khối lượng đất đá thải này nếu được tái sử dụng cho các mục đich khác thì rất có ý nghĩa. Trên thực tế, một số địa phương như Quảng Ninh đã thực hiện thí điểm dùng đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các công trình trọng điểm, san lấp biển và san lấp moong đã kết thúc khai thác [8]. Trước tình hình như vậy, việc ưu tiên thực hiện KTTH ngành khoáng sản trong thời gian tới là rất cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững ngành. Hiện nay trong Dự thảo Nghị định mới ưu tiên thực hiện KTTH cho một số lĩnh vực như nhựa; giấy; tái sử dụng nước thải; xử lý tro xỉ từ sản xuất nhiệt điện; xử lý chất thải thạch cao; chất thải thực phẩm. Do vậy, một số đề xuất như sau:

  • Đề nghị bổ sung vào danh mục các hoạt động ưu tiên triển khai KTTH trước năm 2025 (tại khoản 1, Điều 163) lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, do nhu cầu thực tế tái sử dụng đất đá thải mỏ (hoặc quặng đuôi) để san lấp mặt bằng hiện nay rất lớn;
  • Dự thảo nghị định mới quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước nhưng chưa quy định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh trong thực hiện KTTH. Do vậy đề nghị bổ sung thêm quy định này và có thể cả các tổ chức liên quan khác;
  • Điều chỉnh tiêu chí KTTH tại điểm c khoản 1 Điều 162: nên đặt ra tiêu chí hướng tới chất thải bằng 0 như các nước ở Châu Âu đã triển khai, thay cho mục tiêu chỉ là “Hạn chế chất thải rắn, lỏng, khí, chất thải nguy hại…”
 3. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
Kết quả rà soát một số nội dung quy định tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật BVMT 2020 liên quan đáng kể tới hoạt động khoáng sản, bao gồm 4 nhóm vấn đề chính: cải tạo phục hồi môi trường, khoảng cách an toàn tới khu dân cư, phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường và kinh tế tuần hoàn. Nhóm tác giả xin được trao đổi và góp ý một số nội dung nói trên dưới góc nhìn của hoạt động khoáng sản tới Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định của Bộ TNMT để Ban tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Để thi hành có hiệu quả Luật BVMT 2020, cùng với việc ban hành Nghị định này tiếp theo sẽ còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ TNMT được xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Do vậy, việc hoàn thiện các nội dung của Dự thảo Nghị định này đóng vai trò rất quan trọng trong định hướng công tác bảo vệ môi trường các cấp giai đoạn sắp tới./.