Nghiên cứu tuyển mẫu quặng vàng gốc Kon Tum, Gia Lai


Với nhiều đặc tính quan trọng, vàng (Au) được sử dụng rộng rãi trong rất nhiều ngành công nghiệp và mọi mặt của đời sống. Có thể nói Au là một nguyên liệu hữu dụng trong khoa học kĩ thuật hiện đại và những ứng dụng mở rộng vai trò của Au trong khoa học kĩ thuật là một nhân tố chính góp phần làm tăng nhu cầu Au trong những năm gần đây.

Để nâng cao giá trị kinh tế, thu hồi tài nguyên một cách hợp lý, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã tiến hành nghiên cứu các hướng công nghệ tuyển, các khả năng thu hồi quặng tinh Au trong quặng vàng gốc Kon Tum, Gia Lai. Quặng tinh Au đạt chất lượng cung cấp cho khâu chế biến sâu tiếp theo. Kết quả nghiên cứu thành phần vật chất cho thấy:

Khoáng vật chủ yếu trong mẫu là thạch anh chiếm 53 ÷55 %; Illit 23÷25 % kaolinit và clorit chiếm đến xấp xỉ 8 %; Pyrit chalcopyrit chalcozin covelin chứa Au khoảng 2%. Ngoài ra còn gặp các khoáng vật khác như: Gơtit, limonit, felspat …
Au với hàm lượng thấp dao động 1,93 ÷ 2,4 g/t trong mẫu nguyên khai và xâm tán mịn trong các khoáng vật sunfua. Như vậy, để thu hồi Au với chất lượng cao phục vụ khâu xử lý tiếp theo, cần triệt để loại bỏ các khoáng vật thạch anh, felspat, mica và các khoáng chứa sắt... nằm rải rác, xen kẽ trong mẫu quặng. Với đặc điểm quặng như đã phân tích, phương án công nghệ làm giàu quặng Au được xác định là phương pháp tuyển nổi sau khi đã nghiền quặng đến độ hạt giải phóng khoáng chứa Au ra khỏi các khoáng tạp chất. Ngoài ra, đã xem xét xử lý bằng phương pháp tuyển trọng lực để loại bỏ bớt các khoáng tạp chất và thu hồi một phần Au ở dạng hạt thô hơn trên thiết bị hiện đại Knelson …

Sau đây là sơ bộ kết quả nghiên cứu tuyển mẫu quặng Au gốc Kon Tum, Gia Lai có hàm lượng dao động 1,93 ÷ 2,4 g/t:

Sử dụng phương pháp tuyển nổi: Quặng đầu sau khi nghiền đến >86 % cấp -0,071 mm, được đưa vào tuyển chính vàng, sản phẩm ngăn máy tiếp tục được tuyển vét 1 lần. Sơ đồ gồm 1 khâu tuyển chính, 2 khâu tuyển tinh và 1 khâu tuyển vét (4 nguyên công tuyển). Sản phẩm ngăn máy của khâu tuyển tinh 1 và bọt của khâu tuyển vét  được quay lại tuyển chính. Ngăn máy của khâu tuyển tinh 2 được quay lại khâu tuyển trước. Quặng tinh cuối cùng nhận được có hàm lượng vàng bAu = 109,60 g/t với mức thực thu đạt được là eAu = 83,57 %. Quặng thải nhận được có hàm lượng bAu = 0,4 g/t với mức phân bố Au 16,43 %.

Sử dụng phương pháp tuyển trọng lực trên thiết bị Knelson: Quặng đầu sau khi nghiền đến 100% cấp -0,125 mm cấp vào thiết bị tuyển Knelson, quặng tinh cuối cùng thu được có hàm lượng Au bAu = 94,80 g/t với mức thực thu đạt được là eAu = 75,84 %. Quặng thải của sơ đồ có hàm lượng bAu = 0,59 g/t với mức phân bố Au 24,16 %.

Kết quả nghiên cứu thu được cho thấy khả năng tuyển quặng vàng gốc tỉnh Kon Tum nhận được quặng tinh đạt yêu cầu chất lượng cao cung cấp nguyên liệu cho khâu xử lý tiếp theo, các chỉ tiêu tuyển ổn định và cao. Ngoài ra, hàm lượng Cu trong quặng tinh vàng cũng được làm giầu từ 0,142 % lên đến 9,68 % với mức thực thu đồng trên 50%. Quặng thải có hàm lượng Cu khá thấp 0,07 %./.

Th.S. Trần Thị Hiến- VIMLUKI