Nghiên cứu công nghệ Tuyển nổi thu hồi Khoáng vật Bery tại khu vực Đồng Răm – La Vi, Quảng Ngãi


Trần Thị Hiến, Trần Ngọc Anh
Phòng Công nghệ Tuyển khoáng
 
1. Mở đầu
Beryllium (bery – Be) là một nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn có ký hiệu Be và số nguyên tử bằng 4, nguyên tử khối bằng 9. Với tính chất hóa lý đặc biệt nên bery được ứng dụng rất nhiều trong các ngành công nghiệp. Các sản phẩm làm ra từ được sử dụng trong các lĩnh vực bao gồm: Hàng không vũ trụ, máy tính, các ngành công nghiệp quốc phòng, y tế, hạt nhân và viễn thông.
Tại Việt Nam, theo báo cáo địa chất, Be là một kim loại quý có tại mỏ quặng liti tại khu vực Đồng Răm – La Vi tỉnh Quảng Ngãi. Do đó, để có các thông số công nghệ phục vụ công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng và đảm bảo hiệu quả thu hồi tối đa các kim loại có ích, công tác nghiên cứu mẫu công nghệ thuộc đề án Thăm dò quặng thiếc - kim loại hiếm khu vực Đồng Răm - La Vi, xã Ba Khâm và xã Ba Trang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra mục tiêu nghiên cứu công nghệ thu hồi kim loại thiếc, liti và kim loại hiếm đi kèm (cụ thể là Be).
Các thí nghiệm mẫu công nghệ tuyển quặng thu hồi Be được thực hiện tại phòng Công nghệ Tuyển khoáng của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI). Kết quả nghiên cứu đã đưa ra được quy trình công nghệ, các điều kiện, chế độ tuyển phù hợp, cụ thể là các thông số: Thu hoạch, hàm lượng và thực thu Be.
2. Mẫu nghiên cứu và kết quả phân tích thành phần vật chất
Quặng nguyên khai có kích thước cục lớn nhất từ 200 ÷ 300 mm. Quan sát bằng mắt thường cho thấy quặng có màu sắc khác nhau. Quặng bở rời, mềm dễ vỡ vụn.
Kết quả phân tích ICP trong quặng nguyên khai có hàm lượng Be =166 ppm (BeO ~0,045%). Kết quả xác định thành phần độ hạt trong quặng nguyên khai cho thấy hàm lượng và mức phân bố Be trong các cấp hạt (-2mm 0,02 mm) tương đối đồng đều, hàm lượng Be dao động 66,09 ÷ 194,40 ppm (BeO: 0,018 ÷ 0,054%). Cấp -0,02 mm thấp hơn so với các cấp hạt khác, hàm lượng Be: 43,2 ppm (BeO: 0,012%)
Khoáng vật chứa nguyên tố hiếm Be là Beryl (không nhìn thấy khoáng vật khác chứa bery là betradit). Khoáng vật beryl có đặc điểm vật lý tương tự felspat, thạch anh nên chúng khó có thể tuyển tách khỏi nhau bằng các phương pháp tuyển trọng lực và tuyển từ mà phương pháp được sử dụng ở đây là phương pháp tuyển nổi.
Quặng tuyển thu hồi Bery là sản phẩm ngăn của quá trình tuyển liti. Sản phẩm ngăn của khâu tuyển nổi liti có thu hoạch 87,51% với hàm lượng Be =172,9 ppm (BeO ~0,048%) và phân bố BeO là 92,06%.
3. Kết quả tuyển quặng bery
Kết quả nghiên cứu công nghệ tuyển thu được như sau:
Kết quả thí nghiệm đã xác lập được các điều kiện và chế độ tuyển nổi tối ưu cho đối tượng quặng này bao gồm:
- Độ mịn nghiền 85% cấp -0,074 mm
- pH môi trường: 8 - 9
- Thuốc tập hợp là FS2 với tiêu hao: 300 g/t
Sơ đồ tuyển gồm 01 khâu tuyển thô, 02 khâu tuyển tinh và 1 khâu tuyển vét. Với sơ đồ tuyển vòng kín trung gian 1 và bọt vét 1 quay lại tuyển chính, trung gian 2 quay lại tuyển tinh 1. Ở các điều kiện tuyển như vậy, quặng tinh bery nhận được có hàm lượng Be = 979 ppm (BeO =  0,271 %) với thực thu là 65%. Quặng thải có hàm lượng Be = 39,10 ppm (BeO ~ 0,011 %). Sơ đồ tuyển thu hồi quặng tinh Bery được thể hiện như hình 1.
4. Kết luận
Với chế độ tuyển bao gồm: Độ mịn nghiền 83-85 % cấp -0,074 mm; tỉ lệ R/L = 30 %; pH môi trường khoảng 8 – 9; thuốc tập hợp FS2 với chi phí 300 g/t. 1 khâu tuyển chính, 1 khâu tuyển vét và 2 khâu tuyển tinh thu được quặng tinh bery có hàm lượng Be = 979 ppm (BeO = 0,271 %) với thực thu là 65%. Quặng thải có hàm lượng Be = 39,1 ppm (BeO ~ 0,011 %). Kết quả nghiên cứu khẳng định có thể thu hồi được khoáng vật chứa bery.