Nghiên cứu công nghệ tuyển quặng đồng khu Làng Phát, huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái


Đồng (Cu) là nguyên liệu quan trọng của nền công nghiệp. Xét về khối lượng tiêu thụ, đồng xếp hàng thứ ba trong các kim loại, chỉ sau thép và nhôm. Do tính dẫn điện, dẫn nhiệt tốt, độ bền khá cao nên đồng và hợp kim đồng được sử dụng rộng rãi như làm dây dẫn điện trong các thiết bị điện công nghiệp, dân dụng. Ngoài ra, đồng và hợp kim đồng còn được sử dụng nhiều trong chế tạo máy, xây dựng, sản xuất điện cực... Các hợp chất của đồng như đồng oxit, đồng sunfat, đồng oxyclorua cũng có rất nhiều ứng dụng trong đời sống hàng ngày...

Để xác định được quy trình công nghệ tuyển hợp lý thu hồi đồng trong quặng khu Làng Phát, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã tiến hành nghiên cứu các hướng công nghệ tuyển, các khả năng thu hồi quặng tinh Cu, trong hỗn hợp quặng Cu oxit để có định hướng khai thác - chế biến và sử dụng nguồn quặng đồng này một cách phù hợp nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy:

Mẫu nghiên cứu có thành phần vật chất rất phức tạp, các khoáng chứa đồng dạng sunfua chủ yếu gồm chalcopyrit, bocnit, chalcozin với hàm lượng khoáng » 3,61 %, các khoáng oxit và cacbonat đồng chủ yếu gồm các khoáng malachit, azurit với hàm lượng khoáng »1%. Mẫu nghiên cứu có hàm lượng Cu 1,04 %, trong đó lượng đồng oxit chiếm xấp xỉ 1/3 lượng đồng có trong mẫu nghiên cứu và đây sẽ là nguyên nhân chính làm cho thực thu đồng trong quặng tinh không cao nếu chỉ sử dụng một phương pháp làm giầu. Mặt khác các khoáng chứa đồng xâm nhiễm mịn, kích thước từ  0,01 ÷ 0,1 mm và phân bố khá đều trong các cấp hạt. Các tạp chất đi kèm ảnh hưởng đến chất lượng quặng tinh đồng chủ yếu là thạch anh, fenspat, mica và các khoáng vật chứa sắt khác như limonit…

Cu với hàm lượng thấp 1,04 % trong mẫu nguyên khai và xâm tán mịn trong các khoáng vật sunfua và oxit. Như vậy, để thu hồi Cu với chất lượng cao phục vụ khâu xử lý tiếp theo, cần triệt để loại bỏ các khoáng vật thạch anh, felspat, mica và các khoáng chứa sắt... nằm rải rác, xen kẽ trong mẫu quặng. Với đặc điểm quặng như đã phân tích, phương án công nghệ làm giàu quặng Cu được xác định là phương pháp tuyển nổi sau khi đã nghiền quặng đến độ hạt giải phóng khoáng chứa Cu ra khỏi các khoáng tạp chất. Ngoài ra, đã xem xét kết hợp phương pháp tuyển nổi và phương pháp tuyển trọng lực để thu hồi thêm một phần Cu, Au trên thiết bị hiện đại Knelson… Sau đây là sơ bộ kết quả nghiên cứu tuyển mẫu quặng Cu mỏ Làng Phát - Văn Yên - Yên Bái có hàm lượng Cu » 1,04 %.

Sử dụng phương pháp tuyển nổi: Quặng đầu sau khi nghiền đến 84,35 % cấp     -0,074 mm, được đưa vào tuyển chính đồng, sản phẩm ngăn máy tiếp tục được tuyển vét 1 lần. Sơ đồ gồm 1 khâu tuyển chính, 2 khâu tuyển tinh và 1 khâu tuyển vét.  Sản phẩm ngăn máy của khâu tuyển tinh 1 và bọt của khâu tuyển vét 1 được quay lại tuyển chính.

Sản phẩm trung gian 1, trung gian 2 và bọt tuyển vét được quay lại tuyển chính. Quặng tinh Cu nhận được có hàm lượng Cu 19,03 %, với thực thu 78,86 % bên cạnh đó hàm lượng Au đi theo quặng tinh Cu đạt 8,73 g/t ứng với thực thu 76,79 %. Quặng thải hàm lượng Cu 0,23 % với thực thu 21,14 %.

Sử dụng phương pháp tuyển nổi kết hợp tuyển trọng lực trên thiết bị Knelson: Quặng đầu sau khi nghiền đến 84,35 % cấp - 0,074 mm, được đưa vào tuyển chính đồng, sản phẩm ngăn máy tiếp tục được tuyển vét 2 lần. Sơ đồ gồm 1 tuyển chính, 2 khâu tuyển vét và 2 khâu tuyển tinh. Quặng tinh cuối cùng nhận được, có hàm lượng Cu = 18,86%, với thực thu Cu là 78,70%. Quặng thải có thực thu Cu là 21,30%. Quặng đuôi tuyển nổi được đưa đi tuyển trên thiết bị máy Knelson thu thêm được quặng tinh vàng đạt hàm lượng 4,98 g/t ứng với thực thu 11,89 %. Tổng thực thu khoáng vật đi kèm là vàng thu được bằng tuyển nổi và tuyển trên thiết bị Knelson đạt 86,68 %, tuy nhiên thực thu Cu đi theo quặng tinh vàng khi tuyển bằng thiết bị Knelson không tăng lên không đáng kể.

Sử dụng thăm dò hòa tách quặng đuôi tuyển nổi: Kết quả nghiên cứu thăm dò hòa tách mẫu quặng đuôi tuyển nổi cho hiệu suất hòa tách khá cao, quặng thải hòa tách chỉ còn 0,06% Cu; thực thu đồng trong khâu hòa tách đạt 15,63 %. Tổng thực thu đồng ở khâu tuyển nổi và khâu hòa tách đạt 94,49 %.

Mặc dù với kinh phí, cũng như thời gian nghiên cứu có hạn, đề tài đã hoàn thành mục tiêu đề ra, tuy nhiên đối với mẫu nghiên cứu có thành phần khoáng vật rất phức tạp như đã nêu cần có thêm các nghiên cứu sâu hơn về thu hồi khoáng đồng cacbonat và đồng oxit bằng các phương pháp công nghệ khác như: Hòa tách hoặc xử lý bằng vi sinh nhằm nâng cao chỉ tiêu thực thu đồng.

Sơ đồ công nghệ nguyên tắc tuyển quặng đồng Làng Phát, Văn Yên, Yên Bái như hình sau:
 
Sơ đồ công nghệ nguyên tắc tuyển quặng đồng Làng Phát