Một số kết quả nghiên cứu tận thu các nguyên tố có ích trong quá trình tuyển và luyện quặng đồng Sin Quyền


Tài nguyên khoáng sản trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang ngày càng cạn kiệt, các giải pháp sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên cần được đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho toàn xã hội.

Khi lập thiết kế kỹ thuật xây dựng tổ hợp đồng Sin Quyền - Lào Cai, đã có thăm dò khả năng thu hồi các khoáng sản có ích đi kèm trong quá trình tuyển và luyện đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, các khâu công nghệ này chưa được đầu tư, nghiên cứu đầy đủ đã làm giảm hiệu quả của quá trình khai thác, chế biến quặng đồng vùng mỏ Sin Quyền.
 
Việc nghiên cứu tận thu các nguyên tố có ích trong quá trình tuyển và luyện quặng đồng Sin Quyền là nội dung cấp thiết của đề tài cấp Nhà nước mã số ĐT.04.10/ĐMCNKK thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm về công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản” thực hiện đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” mà Bộ Công Thương giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim chủ trì thực hiện.

Các nghiên cứu tập trung vào đối tượng là quặng thải của nhà máy tuyển quặng đồng Sin Quyền, xỉ luyện đồng của lò Thủy Khẩu Sơn và lò chuyển, bùn cực dương của quá trình điện phân đồng.

Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy khả năng tận thu các nguyên tố có ích trong các đối tượng nghiên cứu trên với kết quả như sau:

1. Công nghệ thu hồi sắt, vàng và đất hiếm trong đuôi thải của nhà máy tuyển
Sản phẩm chứa manhetit, tiến hành tuyển từ yếu để thu được quặng tinh sắt có hàm lượng > 60 % Fe.
Sản phẩm chứa đất hiếm tiến hành nghiền phân cấp và tuyển bằng bàn đãi để thu được quặng tinh đất hiếm có hàm lượng ~ 9 % TREO.
Sản phẩm chứa vàng được phân cấp và tuyển bằng Knelson thu được quặng tinh vàng có hàm lượng 40 g/t Au.

2. Đối với công nghệ thu hồi vàng từ bùn dương cực
Đã tiến hành thử nghiệm thu hồi vàng từ bùn dương cực của quá trình điện phân tinh luyện đồng. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra sơ đồ công nghệ và quy trình công nghệ xử lý bùn dương cực cho hiệu suất thu hồi vàng đạt 98,79 %, chất lượng sản phẩm đạt 99,90 % Au.

3. Đối với công nghệ xử lý thu hồi đồng từ xỉ luyện đồng
Ở quy mô phòng thí nghiệm đã nghiên cứu thành công khả năng xử lý nhiệt xỉ đồng, tuyển thu hồi đồng trong xỉ lò Thủy Khẩu Sơn và lò chuyển đã qua xử lý nhiệt.
Tinh xỉ cuối cùng có hàm lượng bCu = 21,60 %;
Thực thu Cu là eCu = 96,95 %.
Xỉ thải có hàm lượng Cu = 0,11 %, với phân bố Cu là eCu = 3,05 %.

Xỉ thải của quá trình tuyển có các chỉ tiêu như trên một lần nữa khẳng định quá trình xử lý nhiệt xỉ luyện đồng bằng cách làm nguội chậm trước khi tuyển là cần thiết và có hiệu quả.
Kỹ sư Ngô Ngọc Định
Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kimh làm nguội chậm trước khi tuyển là cần thiết và có hiệu quả