Quặng sắt mỏ Quý Xa và giải pháp thiết bị tối ưu cho Xưởng nghiền


Dự án Khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Sa là dự án khai thác chế biến quặng sắt lớn của Việt Nam do Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) làm Chủ đầu tư. Đặc điểm mỏ Quý Xa là một mỏ khoáng sàng limonit cỡ lớn, thân quặng tập trung, lớp đất phủ mỏng, dễ khai thác. Tổng trữ lượng và tài nguyên của mỏ hơn 120 triệu tấn, trong đó cấp 121 122 hơn 108 triệu tấn. Quặng deluvi lẫn đất sét phong hóa. Quặng gốc chủ yếu là goethite, một ít hêmatít và psilomelan. Tỷ trọng quặng nguyên khai: 2,32 tấn/m3; Độ ẩm trung bình: 17,37 ÷ 33,49%; Độ cứng quặng: f = 2 ÷ 3.

Mục tiêu của xưởng nghiền: Nhằm mục đích gia công, xử lý quặng sắt, cung cấp nguyên liệu cho cơ sở sản xuất gang của VTM; Yêu cầu sản phẩm: quặng cục 10 ÷ 50 mm chiếm ~25% và quặng mịn -10 mm chiếm ~75%; Năng suất xưởng: 1,375 tr.tấn QNK/năm. Xưởng nghiền được Viện Nghiên cứu thiết kế Luyện kim loại màu Côn Minh (Trung Quốc) lập Dự án đầu tư năm 2007 và Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) lập thiết kế kỹ thuật thi công năm 2009 tuân thủ đúng thiết kế cơ sở của Dự án đầu tư do Trung Quốc lập năm 2007. Tuy nhiên: Thiết bị đã được phía tư vấn Trung Quốc lựa chọn trong thiết kế cơ sở không phù hợp với quặng Quý Xa. Do vậy, khi triển khai nhiệm vụ tư vấn lập thiết kế kỹ thuật thi công xưởng nghiền, VIMLUKI đã kiến nghị VTM phải có các thử nghiệm, khảo sát cần thiết để đánh giá về tính khả thi của các thiết bị sử dụng trong dây chuyền công nghệ.

Để đánh giá đầy đủ, khách quan và có cơ sở khoa học về sự hợp lý của các thiết bị và công nghệ đã chọn trong giai đoạn Dự án đầu tư và thiết kế cơ sở, VIMLUKI và VTM đã phối hợp: khảo sát các cơ sở chế biến quặng có dây chuyền thiết bị tương tự tại Trung Quốc (Hình 2); tiếp đó là tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia Việt Nam và Trung Quốc để tìm giải pháp công nghệ và thiết bị phù hợp cho dự án (Hình 3). Kết quả khảo sát thực tế và Hội thảo đưa đến nhận định: Thiết bị lựa chọn trong thiết kế cơ sở là không phù hợp, bắt buộc phải thay đổi. Hướng sử dụng thiết bị đập trục răng MMD là phù hợp nhất cho quặng Quý Xa
 

Để đảm bảo tính khả thi cao của việc sử dụng thiết bị mới cho dây chuyền, VIMLUKI đã tiếp tục khảo sát các cơ sở chế biến khoáng sản đã lắp đặt thiết bị đập MMD (Hình 4), đồng thời tổ chức đoàn khảo sát đến tận Nhà máy sản xuất thiết bị ở Vương quốc Anh để trao đổi trực tiếp với các chuyên gia chế tạo và tham quan khảo sát việc chế tạo, lắp ráp thiết bị đập MMD (Hình 5). Qua đó VIMLUKI kiến nghị VTM quyết định: Sử dụng thiết bị MMD trong dây chuyền sản xuất quặng Quý Xa
 


Được sự chấp thuận của VTM, đến tháng 3/2012, VIMLUKI đã hoàn thành điều chỉnh lại toàn bộ thiết kế kỹ thuật và lập bản vẽ thi công theo hướng công nghệ và thiết bị mới. Đến nay, dây chuyền thiết bị đã được lắp đặt và dự kiến tháng 1/2013 sẽ đi vào sản xuất. Việc tư vấn cẩn trọng và đầu tư công sức để tìm kiếm dòng thiết bị thích hợp của VIMLUKI khi thiết kế các dây chuyền chế biến khoáng sản đã mang lại lợi ích thiết thực cho Chủ đầu tư và góp phần thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong ngành công nghiệp khai thác chế biến khoáng sản ở Việt Nam.
 
ThS. Đào Công Vũ - VIMLUKI