Định hướng các giải pháp khai thác ở mỏ quặng thiếc Phú Lâm – Tuyên Quang


 
ThS. Nguyễn Thị Thu, KS. Trần Duy Long
Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện Kim
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Mỏ Thiếc Phú Lâm thuộc địa phận xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 15 km về phía Nam Tây Nam. Theo kết quả thăm dò mới nhất cho thấy, mỏ có 9 thân quặng công nghiệp với tổng trữ lượng toàn mỏ khoảng 535.000 tấn, hàm lượng quặng thiếc trung bình khoảng 0,38 %.
Theo nghiên cứu, các thân quặng thiếc Phú Lâm - huyện Yên Sơn là những vỉa quặng có chiều dày phân bố từ mỏng đến dày trung bình, góc cắm từ dốc thoải đến dốc nghiêng - nghiêng đứng, trữ lượng thấp và hàm lượng nghèo. Báo cáo địa chất thăm dò cho thấy mỏ có 9 thân quặng và được phân bố thành 2 khu khai trường:
- Khai trường 1: Gồm các thân quặng : TQ6.1, TQ6.1a, TQ6.2, TQ6.3, TQ6.3a, TQ6.3b (cạnh đường vào thôn Vực Vại)
- Khai trường 2: Gồm các thân quặng: TQ4, TQ4a, TQ5.
Mỏ thiếc Phú Lâm là một trong những khoáng sàng có điều kiện địa chất đặc trưng của kim loại màu mà nếu khai thác đơn thuần bằng phương pháp lộ thiên hay phương pháp hầm lò sẽ khó mang lại hiệu quả kinh tế cũng như khả năng khai thác tối đa trữ lượng quặng thiếc của khu mỏ. Để giải quyết vấn đề này và làm gia tăng hiệu quả của công tác khai thác của khu mỏ đồng thời giảm thiểu những tác động của quá trình khai thác mỏ đến môi trường sinh thái, Bộ Công thương đã giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp phù hợp khai thác mỏ quặng thiếc Phú Lâm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Bài báo sẽ giới thiệu và đưa ra các giải pháp khai thác, các giải pháp này sẽ là cơ sở để phục vụ cho công tác nghiên cứu đề tài sau này.
2. ĐỊNH HƯỚNG CÁC GIẢI PHÁP KHAI THÁC Ở MỎ QUẶNG THIẾC PHÚ LÂM – TUYÊN QUANG
Các thân quặng Thiếc Phú Lâm có hàm lượng đạt giá trị công nghiệp thường phân bố cục bộ, tạo cho thân quặng thiếc có hình thái dạng đới, ổ, thấu kính và có thế nằm tương đối trùng với mặt phân lớp của đá vây quanh. Do đó, để xác định độ cao đáy mỏ khai thác lộ thiên có thể tối ưu về mặt kinh tế, đề tài sử dụng nguyên tắc: “Hệ số bóc biên giới Kbg £  hệ số bóc giới hạn Kgh bằng phương pháp đồ thị và hệ số bóc biên giới Ktb £  hệ số bóc giới hạn Kgh”.
Bằng cách tính toán và tổng hợp các số liệu, nhóm thực hiện đã xây dựng được đồ thị thể hiện sự phụ thuộc hệ số bóc giới hạn theo giá bán kim loại và xác định được tại thời điểm hiện tại, hệ số bóc giới hạn 2 khu khai trường như sau:
-  Khai trường 1: Kgh1 = 4,36 m3/tấn
-  Khai trường 2: Kgh2 = 3,12 m3/tấn
   
Hình 1. Đồ thị thể hiện sự phụ thuộc hệ số bóc giới hạn theo giá bán kim loại
 Từ những kết quả phân tích đánh giá, nhóm thực hiện đề xuất 2 giải pháp khai thác cho khai trường 2 như sau:
Giải pháp 1. Khai thác lộ thiên từ mức 40 trở lên đối với thân quặng 4 và 4a và từ mức 90 m trở lên đối với thân quặng 5; khai thác hầm lò phần còn lại thân quặng 5.
Giải pháp 2. Khai thác lộ thiên từ mức 30 m trở lên từ tuyến V đến tuyến VII, khai thác hầm lò phần còn lại thân quặng 4 và 4a. Thân quặng 5 phương án khai thác giống phương án 1.1.
Giải pháp 3. Sử dụng phương pháp khai thác lộ thiên từ tuyến V đến tuyến VII và từ mức 90 m trở lên tại tuyến IV đến V. Các khu vực khác của khai trường 2 cần nghiên cứu chọn giải pháp khai thác hầm lò.
3. KẾT LUẬN
Mỏ thiếc Phú Lâm là một mỏ có trữ lượng nhỏ, hàm lượng thấp, phân bố trên địa hình núi cao. Bằng các phương pháp nghiên cứu, nhóm thực hiện đã đưa ra 3 định hướng về giải pháp khai thác kết hợp ở mỏ thiếc Phú Lâm. Đây là tài liệu quan trọng và là tiền đề phục vụ cho các bước nghiên cứu tiếp theo của đề tài.