Ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) đến sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Một thành viên Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên


Lê Văn Kiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên 
– Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim
 
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 28 tháng 6 năm 2020, số ca mắc Covid-19 tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận 10.229.030 ca nhiễm và 503.985 ca tử vong do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Đại dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe cũng như kinh tế - xã hội. Một trong những tác động đáng chú ý nhất của đại dịch toàn cầu này là sự sụp đổ nền kinh tế của các quốc gia khác nhau.
Theo báo cáo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): “Covid-19 và thế giới việc làm: Tác động và giải pháp”, cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, so với số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019. Hàng triệu người lao động sẽ phải rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, giảm giờ làm, tiền lương và rớt xuống dưới chuẩn nghèo.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra một thảm họa kinh tế trên quy mô toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán rằng nền kinh tế thế giới sẽ suy giảm 3% trong năm nay. Tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á chắc chắn cũng tụt xuống mức 0 trong năm 2020, mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua. Thậm chí, cuộc Đại suy thoái những năm 1930 cũng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng như đại dịch Covid-19 hiện nay. Trong khi cuộc Đại suy thoái chủ yếu chỉ tác động tới châu Âu và Mỹ, đại dịch Covid-19 cũng không chừa bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức âm. Thậm chí, một số nền kinh tế tiên tiến trên thế giới cũng được dự đoán phải đối mặt với suy thoái ở quy mô chưa từng thấy, theo ước đoán của IMF, tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 của Mỹ: -5,9%, Nhật Bản: -5,2%, Đức -7%, Pháp: -7,2%, Italy: -9,1%, Tây Ban Nha: -8%, Nga: -5,5%, Brazil: -5,3%, Mexico: -6,6%.
Việt Nam là một trong một số nước có biên giới với Trung Quốc (nơi phát dịch), là một trong số ít quốc gia ghi nhận hơn 300 ca mắc. Đến nay, tổng số ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là 355 ca, trong đó chủ yếu là người nhiễm bệnh nhập cảnh từ nước ngoài vào, tính đến ngày 26/6/2020 đã có 330/355 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, không có bệnh nhân tử vong. Như vậy, có thể nói Việt Nam đã rất chủ động trong việc phòng, chống dịch nên đã rất thành công trong việc khống chế dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, tuy đại dịch Covid-19 không làm thiệt hại về người, nhưng nó đã làm ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động từ đầu năm đến nay hiện ở mức thấp kỷ lục trong 10 năm trở lại đây, chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm nay, hơn 5 triệu lao động bị ảnh hưởng.
Cũng theo khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, gần 85% doanh nghiệp cho biết là gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Trong số này, doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn với tỷ lệ 90% tự đánh giá gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020.
Còn theo kết quả khảo sát nhanh gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tác động của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là rất nghiêm trọng. Gần 85% doanh nghiệp cho biết, dịch bệnh đã khiến thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, gần 60% bị thiếu vốn và đứt dòng tiền kinh doanh; 40% cho biết thiếu nguyên liệu và 43% phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm; 82% cho rằng, doanh thu năm 2020 sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó 30% doanh nghiệp dự báo có thể tụt giảm tới 30-50% và 22% sẽ tụt giảm trên 50%.
Cùng chung với những khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Mỏ và Luyện kim Thái Nguyên (đơn vị trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim), là một đơn vị sản xuất sản phẩm thiếc kim loại chủ yếu là xuất khẩu đã gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong nhiều năm qua, nguồn nguyên liệu sản xuất là quặng thiếc chủ yếu nhập từ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về, trong thời gian phòng, chống đại dịch Covid-19, tất cả các cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào đều đóng cửa, Công ty không nhập khẩu được nguyên liệu nên thiếu nguyên liệu để sản xuất. Do thiếu nguyên liệu, Công ty phải cho người lao động nghỉ luân phiên, chỉ duy trì số lượng lao động tối thiểu để vừa duy trì sản xuất, vừa bảo vệ tài sản. Cụ thể: từ tháng 02 đến tháng tháng 4 năm 2020, Công ty chỉ duy trì 50% số lao động, số lao động còn lại phải thay nhau nghỉ luân phiên. Do phải cắt giảm chi phí nên từ tháng 02 đến tháng 6, Công ty phải cắt giảm từ 5 đến 15% lương của tất cả các bộ phận trong Công ty.
Cũng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá kim loại trên thị trường kim loại thế giới (trong đó có giá thiếc kim loại) biến động rất phức tạp, chủ yếu là giảm, nhiều thời điểm giá giao dịch trên thị trường thấp hơn giá thành sản xuất, ví dụ: giá thiếc kim loại trên thị trường kim loại Luân đôn (LME) tại ngày 02/01/2020 là 17.125 USD/tấn, ngày 28/02/2020 là 16.200 USD/tấn, ngày 19/3/2020 là 13.375 USD/tấn, ngày 24/3/2020 là 13.340 USD/tấn, ngày 21/4/2020 là 14.730 USD/tấn, ngày 18/5/2020 là 15.240 USD/tấn và đến tận thời điểm ngày 26/6/2020 là 16.990 USD/tấn vẫn chưa trở về giá đầu năm. Do nguồn nguyên liệu không nhập khẩu được, sản xuất phải cầm chừng nên doanh thu 5 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh, so với 5 tháng đầu năm 2019, cụ thể được thể hiện tại biểu sau:
Tháng Doanh thu (tỷ đồng) So sánh 2020/2019
Năm 2019 Năm 2020
Tháng 1 28,1 19,6 -8,5
Tháng 2 35,2 22,5 -12,7
Tháng 3 22,4 12,4 -10
Tháng 4 9,6 23,6 14
Tháng 5 31,3 10,7 -20,6
Cộng 126,6 88,8 -37,8
 
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Công ty gặp nhiều khó khăn trong sản xuất mà đặc biệt là thiếu nguồn nguyên liệu, trong khi đó Công ty vẫn phải duy trì lượng hàng bán ra tối thiểu cho những hợp đồng đã ký, có những thời điểm phải xuất bán cả sản phẩm sản xuất từ hàng tồn kho kế hoạch, gây thiệt hại về kinh tế do hàng tồn kho có giá cao mà giá bán lại thấp, việc lỗ kinh doanh sẽ xảy ra.
Với tình hình hiện nay nhằm tháo gỡ những khó khăn, giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh Công ty tập trung vào việc sửa chữa, cải tạo hoàn thiện hệ thống thiết bị, công nghệ đồng thời tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tận thu triệt để tài nguyên khoáng sản./.