Tình hình sản xuất Niken trên thế giới và định hướng của Việt Nam


ThS. Đào Công Vũ

Khi quặng niken hàm lượng cao đang ngày càng cạn kiệt, quặng niken xâm tán hàm lượng thấp đang trở thành nguồn thay thế quan trọng để sản xuất niken kim loại hay hợp kim có niken, vì vậy loại quặng có trữ lượng lớn này trở lên có giá trị kinh tế đáng kể.
1. Các lĩnh vực ứng dụng và thị trường niken
Do có tính chất đặc biệt, nên niken hiếm khi được sử dụng ở dạng tinh khiết mà chủ yếu được sử dụng như một thành phần hợp kim, nhất là các hợp kim chống ăn mòn, hợp kim từ, hợp kim chịu nhiệt, hợp kim có tính chất đặc biệt. Các hợp kim niken cũng được sử dụng trong nhiều môi trường nhiệt độ cao, như trong máy bay và tua-bin phát điện… Khoảng 70% lượng niken được dùng để sản xuất thép không gỉ, 17% được dùng để làm “siêu hợp kim” và 7% được dùng trong công nghiệp mạ, còn lại được ứng dụng trong các lĩnh vực khác, như: pin sạc, chất xúc tác và các hóa chất khác, đúc tiền, sản phẩm đúc và đồng bảng kim loại.
Trong bối cảnh diễn biến ngành công nghiệp sản xuất thép không gỉ đang tăng trưởng, tiêu thụ niken dự kiến ​​sẽ tăng đều đặn trong giai đoạn sắp tới (từ 2,4 triệu tấn vào năm 2019 lên 2,8 triệu tấn vào năm 2025), dự kiến tốc độ tăng trưởng tiêu thụ khoảng 2,2% một năm. Giá niken tăng cao cùng với nhu cầu sử dụng niken rất lớn ở Trung Quốc (quốc gia chiếm phần lớn sự tăng trưởng tiêu thụ niken) sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng tiêu thụ niken trong giai đoạn sắp tới. Trung Quốc hiện đang chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ niken của thế giới và dự báo ​​sẽ tiếp tục tăng do hoạt động sản xuất thép không gỉ và sản xuất pin ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, có những thách thức được đặt ra bởi tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 và lệnh cấm xuất khẩu của Indonesia. Sản xuất thép niken của Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu quặng niken của Indonesia, nên sẽ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế xuất khẩu quặng của Indonesia được áp dụng từ tháng 1 năm 2020. Việc nhập khẩu quặng niken của Trung Quốc có thể được thay thế bằng nhập khẩu quặng từ Philippines, hàng tồn kho hoặc loại niken đã qua chế biến.
Tiến bộ khoa học công nghệ đang tạo điều kiện cho việc sản xuất pin với lượng niken cao hơn, loại pin được ưa chuộng vì hiệu quả, tuổi thọ và giảm chi phí. Dẫn đến nhu cầu sử dụng niken trong sản xuất pin dự báo sẽ tăng trong giai đoạn sắp tới do lượng niken sử dụng trong công nghệ pin tăng lên và quy mô sản xuất pin được mở rộng. Tỷ lệ niken được sử dụng trong sản xuất pin hiện chiếm khoảng 4% tổng sản lượng niken thế giới. Tăng trưởng trong sản xuất pin phụ thuộc vào doanh số bán xe điện, vốn đã chậm lại vào năm 2019 (với việc loại bỏ trợ cấp ở Trung Quốc), nhưng đã phục hồi vào cuối năm 2020.
Tại Indonesia, nước khai thác quặng niken lớn nhất thế giới, vào tháng 1/2019 đã khởi công dự án sản xuất niken và coban để sử dụng cho pin, đồng thời nhiều dự án đang bị tạm dừng đã hoạt động trở lại với dự báo nhu cầu niken sẽ ngày càng tăng đối với ngành công nghiệp pin xe điện. Tuy nhiên, từ tháng 1/2020, Chính phủ Indonesia quyết định khôi phục lệnh cấm xuất khẩu quặng niken, nhằm giữ lại nguồn quặng cho ngành công nghiệp chế biến niken trong nước. Điều này sẽ có tác động lớn đến chuỗi cung cầu thị trường quặng tinh niken thế giới, làm cho thị trường thương mại niken liên tục thay đổi và diễn biến khó lường.
Nhu cầu tiêu thụ niken mạnh dự kiến sẽ làm tăng giá trong giai đoạn sắp tới. Sau khi đạt trung bình 14.200 USD/tấn vào năm 2019, giá niken được dự báo sẽ ở mức trung bình 15.300 USD/tấn vào năm 2020 và 15.800 USD/tấn vào năm 2025 (tính theo giá trị thực). Các dự án mở rộng mới dự kiến sẽ nâng khối lượng xuất khẩu của Úc từ 225.000 tấn trong giai đoạn 2018 - 2019 lên mức 436.000 tấn dự kiến vào năm 2024 - 2025. Tổng thu xuất khẩu của Úc dự kiến đạt 6,6 tỷ đô la vào năm 2024-2025, tăng từ 3,7 tỷ đô la trong năm 2018-2019 (tính theo giá trị thực).

Hình 1. Lượng tồn kho và giá niken giai đoạn 2015 - 2025

2. Nguyên liệu quặng niken và tình hình sản xuất

2.1. Trên thế giới
Theo cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ [3], trữ lượng niken trên toàn thế giới hiện nay ước tính vào khoảng 89 triệu tấn, trong đó 3 nước có trữ lượng lớn nhất là: Indonesia, Australia, Brazil. Cụ thể: Indonexia là nước có trữ lượng niken lớn nhất với 21 triệu tấn, chiếm 23,60%, tiếp theo là Australia với 20 triệu tấn chiếm 22,47% và Brazil với 11 triệu tấn chiếm 12,36% tổng trữ lượng toàn thế giới. Sản lượng niken khai thác trên thế giới năm 2019 ước tính khoảng 2,7 triệu tấn chủ yếu từ các quốc gia như: Indonesia - 800 nghìn tấn, Philippin - 420 nghìn tấn, Nga - 270 nghìn tấn, New Caledonia - 220 nghìn tấn, Canada - 210 nghìn tấn, Australia - 210 nghìn tấn, Trung Quốc - 110 nghìn tấn.
Sản lượng khai thác niken tăng nhanh trong ba năm liên tiếp gần đây, trong đó năm 2019 đã tăng 7,3% đạt 2,7 triệu tấn. Sản lượng khai thác của Indonesia đã tiếp tục đà tăng trưởng, với sản lượng năm 2019 tăng 40% so với năm 2018, ước tính đạt 854.000 tấn, do các dự án mới và cơn sốt xuất khẩu trước khi Chính phủ Indonesia ban hành lệnh cấm xuất khẩu quặng niken. Indonesia hiện chiếm khoảng một phần ba sản lượng khai thác trên thế giới.
Sản lượng khai thác dự kiến ​​sẽ tiếp tục mở rộng trong giai đoạn sắp tới, tăng trung bình 2,0% mỗi năm và đạt 2,9 triệu tấn vào năm 2025. Với lệnh cấm xuất khẩu, sản lượng từ Indonesia sẽ giảm, nhưng sản lượng từ Trung Quốc, Brazil và Úc sẽ tăng lên. Triển vọng cho sản xuất niken tinh chế cũng tích cực, tăng trưởng trong năm 2019 là khoảng 8,6% đạt 2,4 triệu tấn, và dự kiến tinh chế niken tiếp tục tăng với tốc độ nhanh hơn.
Sản xuất niken tinh chế của Trung Quốc đã giảm vào đầu năm 2020, một phần bị hạn chế bởi các tác động của COVID-19. Các nhà máy thép hợp kim niken ở tỉnh Hồ Bắc không sản xuất, do chuỗi cung ứng đầu vào bị gián đoạn làm gián đoạn sản xuất. Do đó, sản xuất tinh chế niken trên thế giới được dự báo sẽ bị đình trệ trong năm 2020 và dừng ở mức 2,4 triệu tấn, nhưng sau đó sẽ tăng trung bình 2,4% trong giai đoạn sắp tới và đạt 2,7 triệu tấn vào năm 2025. Indonesia hiện chiếm khoảng 16% sản lượng của nhà máy tinh chế trên thế giới, dự kiến ​​sẽ tiếp tục mở rộng với động lực mạnh mẽ theo lệnh cấm xuất khẩu quặng từ tháng 1/2020.

Hình 2. Sản lượng mỏ và lượng tinh chế niken giai đoạn 2015 - 2025


2.2. Ở Việt Nam
Khoáng sản niken của nước ta không nhiều, tổng trữ lượng và tài nguyên ước tính khoảng 3,6 triệu tấn niken kim loại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa (3.067.020 tấn), Sơn La (420.523 tấn), Cao Bằng (133.677 tấn). Trong đó phần lớn tài nguyên niken tồn tại ở dạng khoáng vật đi kèm trong quặng crôm vùng mỏ crômit Cổ Định (Thanh Hóa), hiện chưa có giải pháp thu hồi hiệu quả. Quặng niken ở khu vực Sơn La và Cao Bằng chủ yếu là loại hình quặng niken - đồng xâm tán.
Cả nước hiện chỉ có Công ty TNHH Mỏ Niken Bản Phúc (Công ty Bản Phúc) được cấp phép khai thác và chế biến quặng tinh niken, các khu vực mỏ niken khác chỉ dừng lại ở khâu tìm kiếm, thăm dò và chuẩn bị đầu tư. Toàn bộ khối lượng quặng sunfua Ni-Cu được khai thác từ mỏ bằng phương pháp hầm lò, với hàm lượng quặng nguyên khai trung bình khoảng 2%Ni, được đưa vào nhà máy chế biến để sản xuất quặng tinh 9,5% Ni và xuất khẩu.
3. Định hướng sản phẩm của Việt Nam
Như đã phân tích ở trên, nhu cầu sử dụng kim loại niken trên thế giới đang ngày càng gia tăng, đồng thời giá kim loại niken giao dịch trên thị trường dự báo ngày càng cao. Do vậy, công tác nâng cao hiệu suất thu hồi kim loại niken và các kim loại có ích đi kèm trong mỏ niken có hàm lượng thấp sẽ ngày càng được chú trọng đầu tư nghiên cứu ứng dụng.
Thị trường sử dụng niken làm nguyên liệu sản xuất pin trên thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ, giá trị gia tăng cao. Việt Nam có nguồn tài nguyên niken không nhiều (không tính lượng đi kèm trong quặng cromit) và chủ yếu là loại quặng xâm tán hàm lượng thấp, chi phí sản xuất để thu hồi nguyên tố có ích cao. Do vậy, định hướng phát triển công nghệ chế biến sâu niken phù hợp nhất hiện nay là: sản xuất các chế phẩm muối niken và tiến tới hợp tác với các Doanh nghiệp có công nghệ nguồn để sản xuất pin từ nguồn quặng niken trong nước. Mục tiêu đó sẽ vừa đáp ứng nhu cầu cho việc phát triển công nghiệp xe điện, năng lượng tái tạo, vừa phát huy được hiệu quả nguồn tài nguyên quý của Việt Nam.