Thực trạng hoạt động của các đơn vị khai thác – chế biến titan hiện nay
Từ năm 2013 đến nay, cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản Titan nói chung phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Nhiều đơn vị đã phải ngừng hẳn sản xuất, một số đơn vị khác phải duy trì sản xuất với công suất tối thiểu nhất để bảo vệ máy móc, thiết bị, các công trình xây dựng mỏ, trong lúc đó chi phí sản xuất tăng cao, giá bán lại giảm thấp mà cũng không có nơi tiêu thụ, sản phẩm càng ngày càng tồn kho lớn, cán bộ, công nhân viên không có việc làm, cuộc sống gia đình người lao động lâm vào tình trạng khó khăn. Các mỏ khai thác công nghiệp đã đầu tư với nguồn vốn lớn, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, cơ sở hạ tầng từ mỏ đến nhà máy tuyển tinh, chế biến sâu đã đầu tư đều phải dừng hẳn sản xuất hoặc giảm sản xuất với mức công suất tối thiểu. Bởi lẽ:
1. Chi phí sản xuất tăng cao.
- Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản Titan sử dụng các nguyên, nhiên vật liệu như: Xăng, dầu, điện, than v.v… với khối lượng rất lớn và chiếm tỷ trọng khá lớn trong kết cấu giá thành. Trong những năm qua, giá của các loại nguyên, nhiên vật liệu và năng lượng này tăng liên tục và hiện ở mức giá cao, làm cho giá thành sản xuất các sản phẩm tăng lên đáng kể.
- Tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng khó khăn (đặc biệt là các dự án chế biến, chế biến sâu cần nguồn vốn lớn), lãi suất vay vốn ngân hàng vẫn cao, trong lúc đầu tư cho khai thác mỏ cần có nguồn vốn lớn, đầu tư dài hạn, thời gian thu hồi vốn dài. Vì vậy, khi các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản Titan gặp khó khăn, thì việc vay vốn để đầu tư, để sản xuất thực sự nan giải.
- Sản xuất từ khai thác, chế biến tuyển tinh cho đến chế biến sâu không đạt công suất thiết kế, một số đơn vị sản xuất cầm chừng ở mức tối thiểu (khoảng 20 đến 30% công suất), đây cũng là nguyên nhân làm cho giá thành tăng cao, đặc biệt một số mỏ, nhà máy tuyển tinh, kể cả các nhà máy chế biến sâu v.v… phải ngừng sản xuất trong thời gian dài, nên khi tổ chức sản xuất trở lại phải đầu tư sửa chữa rất lớn, thậm chí phải đầu tư mới từ đầu. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản Titan lâm vào tình trạng khó khăn và có nguy cơ đi nhanh tới phá sản.
2. Các loại thuế, phí và lệ phí đầu vào tăng cao
Trong mấy năm qua, tuy các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản nói chung và khai thác khoáng sản Titan nói riêng gặp nhiều khó khăn, và càng ngày càng khó khăn hơn. Song cũng trong giai đoạn khó khăn đó, các loại thuế, phí và lệ phí, tăng cả số lượng và tỷ lệ (%) mức nộp thuế, phí. Cụ thể các loại thuế, phí và lệ phí các doanh nghiệp phải nộp cho 01 (một) tấn sản phẩm (đối với tinh quặng Ilmenite) như sau:
- Thuế tài nguyên từ 10% tăng lên 16%/giá 01 tấn tài nguyên (và đang dự định tăng thêm 2% thành 18% vào đầu năm 2016).
- Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 3%/giá 01 tấn tài nguyên.
- Việc quyết định giá tài nguyên, để tính thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là không thống nhất trong cả nước, cụ thể như sau:
Hầu hết các tỉnh đều tính cho 01 (một) tấn quặng thô (sau khi tuyển thô bằng vít tuyển tại mỏ). Trong 01 (một) tấn quặng thô này chỉ thu được từ 45% đến 60% khoáng vật nặng (KVN) có ích (gọi là tài nguyên thu được) còn lại là Silicát và các tạp chất khác. Như vậy, thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực tế đã tăng lên 40% đến 55% (gần gấp 2 lần).
Giá tài nguyên hiện được các tỉnh quyết định với đơn giá quá cao và không phù hợp với thực tế, ở tỉnh có giá tài nguyên thấp nhất là 1.000.000,0VNĐ/Tấn, cao nhất là 2.500.000 VNĐ/Tấn và hầu hết là ở mức 1.500.000 VNĐ đến 2.000.000 VNĐ/Tấn.
- Phí bảo vệ môi trường: Hầu hết các tỉnh đều tính 70.000 VNĐ/tấn quặng thô.
- Phí sử dụng tài nguyên nước: Các doanh nghiệp phải nộp ở mỗi tỉnh quy định khác nhau từ 1.500 VNĐ, 3.000 VNĐ/tấn quặng thô.
- Phí phục hồi môi trường, ký quỹ phục hồi và tái tạo môi trường: Ở mỗi tỉnh quy định cách tính và nộp tiền cho các doanh nghiệp khác nhau.
- Ngoài các loại thuế và phí theo quy định, ở mỗi địa phương áp dụng các loại phí, lệ phí bổ sung khác nhau và ở mức cao, chẳng hạn như: Tiền thuê đất khai thác là 7.798 VNĐ/tấn quặng thô (tại Thừa Thiên Huế); Hỗ trợ địa phương đối với mỏ khai thác là 100.000 VNĐ/tấn quặng thô (tại Quảng Trị), 120.000 VNĐ/tấn quặng tinh (tại Thái Nguyên); Phí xây dựng cơ sở hạ tầng là 160.000.000 VNĐ/ha hoặc 1.600.000.000 VNĐ/30.000 tấn quặng thô (tại Bình Định).
Tổng hợp các loại thuế, phí và lệ phí (trừ thuế xuất khẩu) chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất các loại sản phẩm. Qua tổng hợp, thấy rằng đơn vị có tổng các loại thuế, phí và lệ phí ở mức thấp nhất cũng chiếm 41% giá thành sản phẩm tùy đơn vị.
3. Thị trường tiêu thụ các sản phẩm Titan giảm mạnh.
- Suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của các nước trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngành công nghiệp Titan cũng như các ngành công nghiệp khác, phải giảm công suất sản xuất ở mức tối thiểu, thậm chí phải dừng sản xuất. Vì vậy thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ Titan rất ảm đạm.
- Tinh quặng Ilmenite cũng như các sản phẩm khác chế biến từ Titan đều là nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến sâu khác, và tiếp tục làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác để sản xuất các sản phẩm, hàng hóa cao cấp hơn. Hiện tại các sản phẩm chế biến từ Titan của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu, nhưng cũng không xuất khẩu được vì những khó khăn như trên, tiêu thụ nội địa với khối lượng không lớn, vì vậy sản phẩm tồn kho càng ngày càng lớn, mặc dù sản lượng sản xuất đạt rất thấp so với công suất của giấy phép.
4. Giá bán càng ngày càng giảm sâu và chưa có dấu hiệu phục hồi.
- Giá bán (xuất khẩu) các sản phẩm chế biến từ Titan giảm mạnh từ đầu năm 2013, và đến nay chưa có dấu hiệu “chạm đáy”. Các sản phẩm đều giảm từ 40 đến 60% so với giá bán cuối năm 2012.
- Các sản phẩm khác như tinh quặng Rutin, Zircon, Monazit, và kể cả các sản phẩm chế biến sâu như Zircon mịn và siêu mịn, xỉ Titan các loại, Ilmenite hoàn nguyên, Rutin chất lượng cao (TiO2 > 87%) v.v… cũng tương tự giảm từ 50% đến 60% (so với giá nửa cuối 2012).
Qua tổng hợp thực tế thấy rằng sản lượng sản xuất và tiêu thụ đạt rất thấp và càng ngày càng giảm, giá thành càng ngày càng tăng, và giá bán càng ngày càng giảm sâu. Từ giá thành, giá bán chúng ta thấy các đơn vị lỗ lớn khi xuất khẩu (với thuế xuất khẩu, chi phí bán hàng và một số phí khác cao như hiện nay) đây là nguyên nhân buộc các doanh nghiệp phải dừng hẳn, hoặc giảm sản xuất, cụ thể tính toán cho 01 (một) tấn tinh quặng Ilmenite xuất khẩu như sau:
5. Các khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
- Một số doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp lớn) đã phải dừng hẳn sản xuất kinh doanh vì giá bán giảm xuống quá nhanh, quá sâu, và do nhiều nguyên nhân làm cho giá thành không những không giảm mà còn tăng lên nên càng sản xuất càng lỗ. Vì vậy, buộc phải “án binh bất động” dẫn đến cán bộ, công nhân viên không có việc làm, cuộc sống gia đình người lao động lâm vào tình trạng khó khăn. Một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng để bảo vệ máy móc, thiết bị, năm 2013 sản xuất của 14 đơn vị trong Hiệp hội đạt 38,7%, năm 2014 đạt 16,2% công suất cho phép theo giấy phép khai thác mỏ.
- Máy móc, thiết bị, các công trình xây dựng hạ tầng v.v... bị xuống cấp nghiêm trọng do phải dừng hoạt động dài ngày. Nếu tổ chức sản xuất trở lại, các doanh nghiệp phải đầu tư chi phí lớn để sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, các công trình hạ tầng, thậm chí phải đầu tư mới hoàn toàn từ đầu.
- Các nhà máy chế biến sâu đã đầu tư và đưa vào sản xuất nhiều năm như: 6 nhà máy luyện xỉ Titan, 2 nhà máy sản xuất Ilmenite hoàn nguyên, 01 nhà máy sản xuất Rutin chất lượng cao, 17 nhà máy sản xuất Zircon mịn và siêu mịn, 4 nhà máy sản xuất hợp chất Zircon đã phải dừng, hoặc giảm sản xuất vì: chi phí sản xuất từ khai thác tuyển thô, chế biến tuyển tinh và kể cả chế biến sâu tăng cao trong lúc giá bán sản phẩm giảm nhanh và giảm sâu.
- Các loại sản phẩm làm ra có giá thành cao (chủ yếu do thuế, phí và lệ phí quá cao) trong lúc giá bán giảm nhanh và giảm sâu (thậm chí giá bán còn thấp hơn giá thành) dẫn đến hàng tồn kho lớn, người lao động không có việc làm, không có thu nhập, an sinh xã hội không được đảm bảo.
Tất cả các khó khăn trên đã tác động lẫn nhau, làm cho các khó khăn càng nghiêm trọng hơn. Dự báo tình hình khó khăn như trên còn diễn biến ít nhất cũng từ 2 đến 3 năm tiếp theo làm cho các doanh nghiệp không thể tự tháo gỡ và vượt qua được, nếu như Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương không có các chính sách, giải pháp hữu hiệu để giúp đỡ, tháo gỡ cho cộng đồng các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản Titan, thì ngành Công nghiệp Titan theo Quy hoạch Chính phủ đã ban hành tại Quyết định số 1546/QĐ-TTG ngày 03/9/2013 sẽ có nguy cơ phá sản hoàn toàn.