Toàn văn bài phát biểu chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim của ông Đào Duy Anh, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng


Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2022
 
Kính thưa các đồng chí đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ CT, Bộ KHCN, Bộ Xây dựng, các đc đại diện LĐ Đảng ủy Khối DN Hà Nội, đại diện LĐ các Tập đoàn, Tổng Cty, Công ty đối tác, các đc đại diện LĐ các Tổ chức Đoàn thể, các Hiệp hội, Hội, các Viện, các trường ĐH, đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí.
Thưa toàn thể các quý vị đại biểu,
Với Việt Nam, tháng 5 là tháng có nhiều sự kiện chính trị, xã hội quan trọng như ngày QT lao động 01/5; chiến thắng lịch sử ĐB Phủ 07/5; ngày KHCN 18/5; ngày SN Bác Hồ kính yêu 19/5, tháng có Hội nghị thường kỳ của BCHTW Đảng và kỳ họp của QH…, tháng 5/2022, còn có thêm sự kiện lớn, VN vừa tổ chức rất thành công Đại hội thể thao SEA game 31 với thông điệp “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” cả trên phương diện công tác tổ chức và thành tích của các vận động viên, Việt Nam phá kỷ lục về số HCV mà một đoàn thể thao giành được tại một kỳ Sea game trong lịch sử 63 năm của giải đấu, cả BĐ Nam và Nữ cùng bước lên ngôi cao nhất. Trong không khí thiêng liêng, phấn khởi và tự hào của tháng 5 lịch sử, hôm nay, chúng ta có mặt ở đây để kỷ niệm một tổ chức KHCN trực thuộc Bộ Công Thương, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim được khai sinh đúng ngày này 55 năm về trước, ngày 29/5/1967.
 Thay mặt Tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động của Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới các đồng chí đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Xây dựng, các đc đại diện Lãnh đạo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội, Công đoàn Công Thương Việt Nam, đại diện Lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Cty, Công ty đối tác, các đc đại diện Lãnh đạo các Tổ chức Đoàn thể, các Hiệp hội, Hội, các Viện, các trường ĐH cùng toàn thể các quý vị đại biểu khách quý; các đc nguyên lãnh đạo Viện và các thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động của Viện qua các thời kỳ đã đến dự, chỉ đạo, và chia vui với các thế hệ CBVC-NLĐ của Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim.
Kính Thưa các quý vị,
Trong giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Miền Bắc, với vai trò là hậu phương, phát triển kinh tế để chi viện cho tiền tuyến đã không ngừng thúc đẩy sản xuất công, nông nghiệp. Do yêu cầu phát triển ngành, năm 1960 Cục Thiết kế thuộc Bộ Công nghiệp nặng được thành lập, năm 1962, Cục TK được chuyển đổi thành Viện TK tổng hợp, đây là Viện TK lớn, bao trùm hầu hết các lĩnh vực công nghiệp của đất nước và công trình dân dụng. Để hình thành các Viện chuyên ngành hoạt động hiệu quả hơn, ngày 29/5/1967, Bộ Công nghiệp nặng đã ban hành QĐ số 1775/BCNNg-KB2, sắp xếp, cơ cấu lại Viện Thiết kế tổng hợp để hình thành 05 Viện chuyên ngành, trong đó có Viện Luyện kim gồm Phân Viện LK đen và Phân viện Luyện kim Màu, tiền thân của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim ngày nay.
Khi Bộ Cơ khí và Luyện kim hình thành từ chia tách Bộ Công nghiệp nặng năm 1969, ngày 17/3/1979, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 119-CP về việc thành lập một số Viện trực thuộc Bộ Cơ Khí và Luyện kim, trong đó có Viện Luyện kim màu, trên cơ sở đó Ngày 17/11/1979, Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim đã ra Quyết định số 223/CL/TCQ quy định Viện Luyện kim màu là đơn vị trực thuộc Bộ, có nhiệm vụ nghiên cứu và thiết kế các công trình mỏ và luyện kim màu, quý, hiếm, là đơn vị hành chính sự nghiệp được ngân sách Nhà nước đảm bảo. Năm 1990, khi Bộ CN nặng được tái lập, ngày 17/8/1990 Theo Quyết định số 259/CNNg của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Viện Luyện kim màu được đổi tên thành Viện Mỏ - Luyện kim. Đến năm 1995, Bộ Công Nghiệp được thành lập, năm 1996, tại Quyết định số 4013/QĐ-TCCB ngày 31/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Viện Mỏ - Luyện kim được đổi tên thành Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim.  
Thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN công lập, ngày 15/12/2006, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ra Quyết định số 3646-QĐ/BCN về chuyển đổi hoạt động của Viện Nghiên cứu Mỏ và Luyện kim theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Viện được đổi tên thành Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ-Luyện kim. Năm 2007, Bộ CN và Bộ Thương mại hợp nhất thành Bộ Công Thương, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ-Luyện kim là đơn vị sự nghiệp KHCN công lập trực thuộc Bộ Công Thương.
Qua 55 năm xây dựng và phát triển, với 04 lần thay đổi tên gọi cho phù hợp với đặc điểm ngành, kinh tế, xã hội mỗi giai đoạn và đặc điểm cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ chủ quản qua 05 lần chia tách, hợp nhất, từ 67 cán bộ quản lý, khoa học, kỹ thuật viên khi mới ra đời tháng 5/1967, được biên chế trong 07 phòng ban, cơ cấu tổ chức và nhân lực của Viện đã từng bước phát triển cùng với sự sáp nhập của các đơn vị chuyên môn tương đồng, đến cuối năm 1967 nhân lực tăng lên 86 CBVC, đến năm 1975 đã phát triển lên 19 phòng ban với 326 người. Đỉnh điểm về quy mô cơ cấu tổ chức và nhân lực của Viện là vào giai đoạn 1986-1987 với 432 người biên chế trong 27 đơn vị trực thuộc Viện. Đất nước bước vào thời kỷ đổi mới từ sau ĐH lần thứ 6 BCHTW Đảng năm 1986, Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim cũng từng bước chuyển đổi để dần thích ứng với giai đoạn mở cửa và quy luật kinh tế thị trường. Đến năm 2005, nhân lực của Viện đã giảm mạnh xuống còn 248 người biên chế trong 25 đơn vị trực thuộc Viện, sự thay đổi lớn về cơ cấu trong giai đoạn này là số đơn vị quản lý, nghiên cứu, thiết kế giảm từ 24 đơn vị năm 1986 xuống còn 17 đơn vị năm 2005, ngược lại, các đơn vị hoạt động nghiên cứu triển khai, thử nghiệm sản xuất theo định hướng kinh tế thị trường tăng từ 03 lên 08 đơn vị trong cùng giai đoạn. Từ năm 2005, thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập, đặc biệt là giai đoạn 5 năm gần đây từ 2017 đến 2021, là giai đoạn thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển KHCN, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả… Viện đã đẩy mạnh việc sắp xếp, rút gọn các đầu mối, tăng tính tự chủ về tài chính và điều hành cho các đơn vị trực thuộc, từ 25 đơn vị đầu mối năm 2005, đến nay, cơ cấu tổ chức của Viện chỉ còn 13 đơn vị với 233 CBVC, tỷ lệ giữa VC hành chính, quản lý, gián tiếp và viên chức KHCN, kỹ thuật viên đã dần hợp lý.      
Song song với phát triển, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất của Viện cũng phát triển theo trong suốt 55 năm qua. Từ 24 m2 trong tòa nhà 2 tầng và 02 gian nhà cấp 4 diện tích khoảng 40m2 được chia từ Viện TK Tổng hợp cùng các trang thiết bị nghiên cứu hết sức nghèo nàn khi thành lập, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Bộ Cơ khí &Luyện kim, đến cuối năm 1970, Viện đã được giao thêm 01 nhà 2 tầng và một phần tòa nhà 03 tầng với tổng DT trên 2000 m2 tại khu vực 30B, phố Đoàn Thị Điểm (ĐTĐ). Năm 1981, Viện được UBND TP. Hà Nội giao thêm 4000 m2 đất tại khu Hồ Gò, sát với khu 30B ĐTĐ, trên mặt bằng này sau đó đã xây các xưởng để lắp đặt thiết bị hình thành khu thí nghiệm quy mô lớn và sản xuất thử nghiệm các lĩnh vực tuyển khoáng, luyện kim, chế tạo thiết bị…, Năm 1997, Viện quyết định chuyển khu vực làm việc chính từ 30B ĐTĐ sang khu hồ Gò và xây nhà làm việc 2 tầng kiên cố đầu tiên của Viện, tiếp đó năm 2002 xây tòa nhà làm việc 7 tầng và năm 2010 xây trung tâm phân tích hóa-lý 8 tầng trên khu đất này, hoàn chỉnh hệ thống phòng thí nghiệm và văn phòng làm việc tại trụ sở chính của Viện. Năm 1983, Viện tiếp nhận khu đất gần 27.000 m2 trong đó có 1.500 m2 nhà xưởng tại phường Tân Lập, TP. Thái Nguyên (TN), tỉnh TN hình thành khu thực nghiệm tuyển nổi với các trang thiết bị được các nước XHCN giúp đỡ. Năm 1990, Viện được giao khu nhà xưởng cùng trang thiết bị nghiên cứu bôxít trên diện tích đất hơn 2.500 m2 tại Thủ Đức TP HCM để hình thành Phân Viện Mỏ-Luyện kim Miền Nam. Năm 1996, Viện tiếp nhận gần 13.000 m2 tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, TP.HN để hình thành khu thí nghiệm công nghệ quy mô lớn và sản xuất thử nghiệm các vật liệu kim loại và thiết bị ngành mỏ.
Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ chủ quản, sự hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước, cùng nỗ lực tự thân của Viện, sau 55 năm, đến nay Viện đã có 04 cơ sở, trong đó trụ sở chính và 01 Trung tâm thử nghiệm tại Hà Nội, 01 Chi nhánh tại tỉnh Thái Nguyên và 01 Chi nhánh tại TP.Thủ Đức TP. Hồ Chí Minh, cơ sở vật chất đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nghiên cứu triển khai KHCN và thử nghiệm sản xuất các sản phẩm kim loại, hợp kim, cùng các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất cho ngành công nghiệp mỏ.
Kính thưa các Quý vị,
Trong 55 năm hoạt động, mặc dù có nhiều lần thay đổi tên gọi cho phù hợp với thay đổi của Bộ chủ quản, song, chức năng, nhiệm vụ cốt lõi của Viện cho đến hiện nay vẫn không thay đổi mà chỉ mở rộng và chi tiết hơn. Hoạt động chuyên môn của Viện tập trung vào 03 lĩnh vực chính (1) là NC-triển khai KHCN trong lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và môi trường công nghiệp; (2) là Làm dịch vụ KHCN và (3) là thử nghiệm sản xuất kinh doanh để thực hiện 02 chức năng (1) là tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, tham mưu công tác quản lý ngành CN mỏ cho Lãnh đạo Bộ và (2) là song hành cùng ngành CN Mỏ, các doanh nghiệp trong ngành trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm thúc đẩy sự phát triển ngành CN Mỏ VN hướng tới ngành CN phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, tiếp thu và thích ứng với trình độ công nghệ của cuộc CM công nghiệp lần thứ 4. Cụ thể:
* Về nghiên cứu-triển khai KHCN: trong 55 năm hoạt động, Viện đã thực hiện hàng ngàn đề tài, dự án, đề án KHCN các cấp, nghiên cứu giải pháp quản lý,  sản phẩm đưa ra là:
- Thứ nhất là sản phẩm phục vụ định hướng phát triển và quản lý ngành: Gồm các Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy trình hay sản phẩm, các định mức kinh tế, kỹ thuật trong hoạt động KS... làm công cụ để các cấp quản lý Nhà nước định hướng phát triển và ban hành các chính sách quản lý đối với hoạt động của ngành CN Mỏ. Tiêu biểu là các công trình: Đề án “Quy hoạch phát triển Ngành Đất hiếm Việt Nam 1991-2000”; Dự án Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bôxít giai đoạn 2005-2010 có xét tới năm 2020; quặng titan giai đoạn 2005-2010 có xét tới năm 2020; quặng mangan, cromit giai đoạn 2005-2010, tầm nhìn đến năm 2025; khoáng chất công nghiệp: barite, spertin, graphite, fluorite, bentonite, diatomite và talc giai đoạn 2006-2010 có xét tới 2025; quặng vàng, đồng, niken, molipden giai đoạn 2006-2010 tầm nhìn đến 2025; quặng titan giai đoạn đến 2020 tầm nhìn đến 2030; quặng bôxít giai đoạn đến 2020 tầm nhìn đến 2030; quặng vàng, đồng, niken, molipden giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035; nước khoáng, nước nóng thiên nhiên Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2035; Dự án quy hoạch phát triển ngành đúc Việt Nam giai đoạn 2009 đến 2020 có xét đến 2025; Dự án điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất và phân phối thép đến 2025, định hướng đến 2035;
Với kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ lập Quy hoạch thăm dò, khai thác - chế biến và sử dụng khoáng sản do Bộ Công Thương quản lý như trên, năm 2021 Viện đã tham gia dự thầu và được Bộ Xây dựng tin tưởng giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Lập Quy hoạch thăm dò, khai thác - chế biến và sử dụng khoáng sản làm Vật liệu xây dựng và lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược”. Đây là nhiệm vụ tư vấn lập quy hoạch lớn lần đầu tiên Viện thực hiện với cơ quan ngoài Bộ Công Thương. Quy hoạch này sẽ là cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, đồng thời sẽ là tiền đề mở ra một lĩnh vực dịch vụ khoa học công nghệ mới cho Viện.
 - Thứ 2 là sản phẩm phục vụ ngành, doanh nghiệp: Là công nghệ, giải pháp kỹ thuật cho khai thác các mỏ khoáng sản, công nghệ tuyển làm giàu các loại KS, công nghệ luyện kim, môi trường và các loại thiết bị sử dụng trong ngành khai thác, chế biến KS để phục vụ cho các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến KS và thử nghiệm sản xuất ngay tại Viện để đảm bảo sự ổn định của công nghệ trước khi chuyển giao cho các doanh nghiệp. Suốt chiều dài 55 năm hoạt động, các công trình R-D của Viện bao trùm hầu hết các loại khoáng sản kim loại và phi kim của VN và gắn với các nhà máy, các mỏ tiêu biểu cho ngành khai thác, chế biến KS kim loại màu của VN, các công trình điển hình thực hiện trong giai đoạn kinh tế kế hoạch như: Nghiên cứu-TK: Xưởng tuyển quặng antimon Đầm Hồng-Tuyên Quang (1969-1976), Xưởng tuyển graphit Mậu A (1971-1973) và Cổ Phúc- Yên Bái, (1979), Thiết kế cải tạo và mở rộng Mỏ thiếc Sơn Dương, Tuyên Quang, công suất 600.000 tấn/năm (1982); Mỏ thiếc Bắc Lũng, 300.000 tấn/năm (1983), Mỏ thiếc Tĩnh Túc- Cao Bằng (1967), Quỳ Hợp- Nghệ An..., thiết kế, chế tạo thiết bị, lắp đặt và đưa vào sản xuất xưởng luyện thiếc Thái Nguyên (1977), đây là công trình đầu tiên để hình thành Nhà máy Luyện kim Màu Thái Nguyên hiện nay. TK Xưởng tuyển titan Quy Nhơn (1985), Xưởng luyện kẽm Thái Nguyên công suất 1000 tấn/năm kẽm (1983-1985), thiết kế điều chỉnh và lắp đặt thiết bị cho các nhà máy tuyển titan, luyện xỉ titan tại Hà Tĩnh, TT Huế, Bình Định, Bình Thuận,...   
* Về dịch vụ KHCN: Sau khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần kinh tế tham gia hoạt động KS. Từ các kết quả nghiên cứu, triển khai KHCN đã tích lũy và thực hiện nghiên cứu dịch vụ cho các doanh nghiệp, Viện đã thực hiện các công tác dịch vụ như: NC các giải pháp công nghệ khai thác, tuyển quặng, luyện kim..., tư vấn lập dự án đầu tư, đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường chiến lược, thiết kế bản vẽ thi công, xây dựng, chế tạo, cung cấp lắp đặt thiết bị, chuyển giao nhà máy hoạt động ổn định cho doanh nghiệp, các sản phẩm dịch vụ KHCN của Viện luôn được các đối tác tin tưởng, đánh giá cao, một số công trình công nghiệp tiêu biểu đã được nghiệm thu, đưa vào hoạt động trong những năm gần đây của Viện như: Điều chỉnh TKCS dự án khai thác mỏ, tuyển quặng bôxít Lâm Đồng; Thiết kế nhà máy tuyển quặng sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh công suất 10 triệu tấn/năm; Thiết kế thi công nhà máy tuyển quặng sắt Quý Xa - Lào Cai công suất 1 triệu tấn/năm; Thiết kế, lập dự toán, cung cấp và lắp đặt thiết bị nhà máy tuyển nổi quặng đồng số 2 công suất 1,4 triệu tấn/năm mỏ Sin Quyền, Lào Cai; Lập Dự án ĐTXD, thiết kế thi công Nhà máy nghiền zircon siêu mịn công suất 35.000 tấn/năm tại tỉnh Bình Thuận; Lập Dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, và báo cáo đánh giá an toàn bức xạ nhà máy sản xuất pigment công suất 80.000 tấn/năm tại tỉnh Bình Thuận; Thiết kế, chế tạo thiết bị, lắp đặt, chuyển giao xưởng tuyển nổi quặng apatit công suất 120kg/h cho công ty apatit VN; Lập báo cáo tiền khả thi, Lập báo cáo khả thi Dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn Bình Định công suất 5,4 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2017-2021, toàn Viện đã thực hiện gần 430 công trình dịch vụ KHCN.
 * Về sản xuất kinh doanh: Để kiểm chứng các kết quả nghiên cứu và rút ngắn khoảng cách giữa tính toán và thực tế sản xuất, ngay từ sau năm 1975, đội ngũ cán bộ KH của Viện đã tích lũy kinh nghiệm và chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết cho hoạt động sản xuất thử nghiệm, các sản phẩm đầu tiên khởi nguồn hoạt động sản xuất kinh doanh của Viện là quặng tinh (thiếc, chì-kẽm, volfram,…), các kim loại thiếc, antimon, các hợp kim, sản phẩm cán, kéo kim loại màu.
Trên cơ sở thành công của thử nghiệm sản xuất các sản phẩm quặng tinh, kim loại, hợp kim nêu trên, từ cuối những năm 1990 Viện phát triển mạnh sản xuất thiếc kim loại thông qua hợp đồng luyện thiếc xuất khẩu loại 2 cho Xí nghiệp Mỏ - Tuyển thiếc của Quỳ Hợp-Nghệ An, tiếp sau đó, Viện tiến tới tự thu mua quặng để luyện, sản xuất thiếc kim loại ở cả 3 khu vực Hà Nội, Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh, sau quá trình cơ cấu, bố trí lại các Khối, hiện nay, sản xuất thiếc kim loại và hợp kim được thực hiện tại 02 Chi nhánh của Viện ở Thái Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh, công nghệ tuyển, luyện thiếc của Viện đã tiệm cận trình độ thế giới về các chỉ tiêu công nghệ và định mức sản xuất với chất lượng đạt 99,99% Sn. Hiện nay, Viện là đơn vị sản xuất Sn kim loại lớn nhất VN, chiếm khoảng 30% năng lực sản xuất với sản lượng 800-1000 tấn Sn kim loại mỗi năm. Từ Sn kim loại, các đơn vị trong Viện đã tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm hợp kim Sn phục vụ công nghiệp điện tử và dân dụng, các sản phẩm hợp kim Sn của Viện không chỉ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, sử dụng cho các lĩnh vực công nghệ cao mà còn cả yêu cầu bảo vệ môi trường, được khách hàng trong và ngoài nước tin tưởng sử dụng. Cùng với kim loại và hợp kim Sn, các sản phẩm trung gian như fero mangan, fero titan, fero crom, các loại hợp kim đồng, hợp kim thép có tính năng chịu mài mòn, va đập cho chế tạo các chi tiết máy đập hàm, đập trục, răng gầu xúc cũng được Viện nghiên cứu sản xuất.
Cùng với thử nghiệm sản xuất kim loại, hợp kim, công tác thiết kế và chế tạo thiết bị chuyên ngành được bắt đầu ngay sau khi thành lập Viện. Đến năm 1970, hầu hết các thiết bị ở quy mô phòng thí nghiệm được các kỹ sư của Viện mô phỏng các thiết bị của nước ngoài, tự thiết kế, chế tạo để phục vụ công tác nghiên cứu trong Viện. Trên cơ sở các thiết bị quy mô nhỏ hoạt động hiệu quả, từng bước các thiết bị được thiết kế, chế tạo đã tăng kích cỡ và quy mô công suất, đáp ứng thí nghiệm mẫu lớn ở quy mô bán công nghiệp. Sau năm 1975, dựa trên thiết kế được lấy mẫu từ các thiết bị của Liên Xô và một số nước XHCN, các kỹ sư của Viện đã điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam để thiết kế, chế tạo nhiều thiết bị phục vụ ngành công nghiệp mỏ của Việt Nam như: Máy nghiền bi D1500x1500; Máy phân cấp xoắn D1000, D1200, D1500; Máy tuyển nổi 2,8 m3; Bàn đãi 8 m2; Máy lắng màng 2m2; Sàng quay D1300; Máy khuấy cơ khí có dung tích hàng chục m3; Máy lọc chân không kiểu tang quay, máy tuyển từ, tuyển điện,… Từ các thiết bị riêng lẻ, đã tiến tới chế tạo một số hệ thiết bị và hệ thống thiết bị đồng bộ cung ứng cho sản xuất như: Hệ thống thiết bị tuyển nổi công suất (cs) 15 tấn/giờ cho xưởng tuyển antimon Đầm Hồng (1977); hệ thống thiết bị tuyển nổi cs 23 tấn/giờ cho xưởng tuyển graphit Cổ Phúc (1979); hệ thống lò phản xạ 6,4 m2 và hệ thống thu bụi tĩnh điện xưởng luyện thiếc Thái Nguyên (1979); hệ thống thiết bị tuyển trọng lực cs 140 tấn/h cho xưởng tuyển thiếc Sơn Dương (1980); hệ thống lò phản xạ cho Xưởng luyện luyện antimon Thái Nguyên (1981); hệ thống thiết bị tuyển nổi 500 tấn cho Xưởng tuyển kẽm chì Làng Hích (1986). Để phục vụ các doanh nghiệp khai khoáng trong giai đoạn sau mở cửa kinh tế năm 1986, công tác nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị được đẩy mạnh, các xưởng cơ khí, chế tạo của Viện đã trang bị một số thiết bị đặc chủng để phục vụ sản xuất, chế tạo thiết bị. Các máy móc phục vụ CN khai khoáng mang thương hiệu VIMLUKI có mặt trên thị trường giai đoạn này là lò điện hồ quang, vít xoắn, bàn đãi (ướt và khí), máy tuyển từ, máy tuyển điện, lò sấy quay, nồi graphit và thiết bị thu bụi công nghiệp. Máy tuyển từ, máy tuyển điện, vít xoắn, các thiết bị và các chi tiết máy này vẫn được duy trì sản xuất đến hiện nay khi có đặt hàng, đồng thời, Viện còn mở rộng sang sản xuất các thiết bị, máy móc phục vụ ngành giao thông, xây dựng và dân sinh.
Với mục tiêu từng bước đưa ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam trở thành ngành công nghiệp xanh, song song với phát triển công nghệ, thiết bị, công tác nghiên cứu các giải pháp, công nghệ, thiết bị nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động KS đến môi trường luôn được Viện quan tâm trong nhiều năm qua. Giai đoạn đầu là tham gia vào các dự án môi trường do các tổ chức quốc tế tài trợ để học hỏi kinh nghiệm, sau đó đã tự chủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ MT như lập báo cáo ĐTM, ĐMC phục vụ các dự án đầu tư, sản xuất và lập quy hoạch trong ngành khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất hóa chất, vật liệu xây dựng, công nghiệp thực phẩm và dân dụng. Trung tâm Môi trường Công nghiệp của Viện đã được Bộ KHCN cấp Chứng nhận đăng ký hoạt động KHCN với Phòng Phân tích và Quan trắc Môi trường đạt tiêu chuẩn theo ISO/IEC 17025:2005, với số hiệu VILAS 246. TT cũng được Bộ TN&MT cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc và phân tích môi trường với số hiệu VIMCERTS 141. Hoạt động bảo vệ MTCN của Viện trong những năm gần đây không chỉ dừng ở nghiên cứu, đánh giá, đề xuất giải pháp mà đã tiến tới thiết kế, chế tạo, lắp đặt các thiết bị, hệ thống xử lý ô nhiễm MT.  
Như vậy, qua 55 năm hoạt động, kim loại màu, kim loại quý, hiếm vẫn là các đối tượng cốt lõi trong cả 03 lĩnh vực trọng tâm là nghiên cứu-triển khai KHCN; làm dịch vụ KHCN; và thử nghiệm sản xuất kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc khoáng sản. Song, không dừng lại ở đó, những năm gần đây, Viện đã mở rộng các đối tượng nghiên cứu sang cả các đối tượng luyện kim đen, khoáng sản phi kim và dịch vụ KHCN cho ngành than. Đa dạng hóa các đối tượng khoáng sản đã mở rộng môi trường hoạt động, tăng nguồn công việc, đảm bảo ổn định việc làm và thu nhập cho CBVC, nâng cao khả năng tự chủ tài chính của Viện cũng như vị thế, thương hiệu của Viện trong ngành CN Mỏ VN.
Để nâng cao trình độ KHCN, tiếp thu được những thành tựu KHCN của thế giới, hoạt động hợp tác quốc tế luôn được các thế hệ LĐ và cán bộ KH của Viện quan tâm phát triển, ngay từ cuối những năm 60, Viện đã hợp tác NC với CHDC Đức và Bungari để phát triển dự án tuyển, luyện quặng đồng mỏ Sin Quyền- Lào Cai và đồng - Niken mỏ Bản Phúc- Sơn La; hợp tác với Liên Xô và Hungary để NC khai thác và chế biến bôxít ở Việt nam; hợp tác với Liên Xô, CHDC Đức, Phần Lan, Ba Lan, Tiệp Khắc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển, Anh, Úc, Mỹ, Canada, Nam Phi... trong nghiên cứu, phát triển các công nghệ khai thác, chế biến các loại quặng thiếc, đồng, chì-kẽm, cromit, đất hiếm, quặng sắt, bôxít... Hợp tác quốc tế giúp cho Viện nâng cao trình độ của cán bộ KH thông qua các khóa đào tạo dài hạn và ngắn hạn, trao đổi học thuật, tham quan công nghệ và hợp tác phát triển dự án, các sản phẩm hợp tác gần đây nhất là hợp tác với Viện Giproruda, CHLB Nga về tư vấn thiết kế mỏ quặng sắt Thạch Khê - Hà Tĩnh; liên danh với Viogem-CHLB Nga lập dự án thiết kế kỹ thuật-lập tổng dự toán công trình khai thác- tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê; hợp tác MMD trong DA Quý xa;  với Mekhanop (Nga), Outotec (Phần Lan), Terex (Mỹ) trong thiết kế, cung cấp thiết bị, lắp đặt, vận hành nhà máy tuyển quặng đồng Sin Quyền số 2... thông qua các dự án hợp tác, cán bộ KH của Viện đã trưởng thành, tự tin triển khai các dự án khai thác, chế biến khoáng sản khác.
Sự phát triển đồng thời cả 03 lĩnh vực chuyên môn: nghiên cứu-triển khai dịch vụ KHCN sản xuất kinh doanh trong quá trình phát triển Viện là mô hình hợp lý, đảm bảo mỗi công nghệ, giải pháp đưa ra từ phòng thí nghiệm được kiểm định đến sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, tăng tính khả thi khi chuyển giao vào sản xuất, đồng thời tạo nguồn công việc và thu nhập giúp Viện từng bước tự chủ về kinh phí hoạt động, trong 233 CBVC-NLĐ hiện nay, chỉ còn khoảng 60 người được Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí trả một phần lương, số còn lại hoàn toàn hưởng lương từ nguồn thu dịch vụ KHCN và sản xuất kinh doanh. Những năm gần đây, nộp ngân sách của Viện hàng năm từ 15-20 tỷ đồng, năm 2021, mặc dù là đỉnh điểm tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến mọi ngành, lĩnh vực, song, với truyền thống vượt khó và các giải pháp thích ứng linh hoạt, mọi mặt hoạt động của Viện vẫn được duy trì ổn định, việc làm, thu nhập của CBVC-NLĐ được đảm bảo, doanh thu đạt trên 550 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 32 tỷ đồng.  
Kính thưa các Quý vị,
Sự phát triển của tổ chức và nhân lực cũng như hoạt động chuyên môn nêu trên đạt được nhiều thành tựu trong 55 năm xây dựng, phát triển của Viện, không thể thiếu vai trò lãnh đạo và thúc đẩy của tổ chức Đảng, Công đoàn, Ban Nữ công và đoàn Thanh niên.
- Tổ chức Đảng khi Viện mới thành lập là Chi bộ có 9 đảng viên, trực thuộc Đảng ủy cơ quan Bộ Công nghiệp nặng, sau 55 năm, ĐB Viện đã trải qua 15 kỳ ĐH, cùng với sự phát triển của toàn Viện, số lượng đảng viên gia tăng nhanh trong giai đoạn từ 1967-1975, cao nhất vào đầu những năm 1990 với 96 ĐV, sau đó tương đối ổn định trong khoảng 70-80 ĐV. Thời kỳ đầu, tổ chức Đảng của Viện trực thuộc Đảng ủy cơ quan Bộ Cơ khí và Luyện kim, sau đó trực thuộc Quận ủy Đống Đa (1981-2005), Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội (2005-2019) và hiện nay trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội, hoạt động của ĐB Viện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, sự giúp đỡ hiệu quả của ĐUK. ĐU Viện hiện nay có 07 đồng chí, làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chỉ đạo mọi mặt hoạt động của Viện, ĐB Viện luôn được ĐU cấp trên đánh giá hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
- Công đoàn Viện là tổ chức Công đoàn cơ sở, ban đầu thuộc Công đoàn Cơ quan Bộ Cơ khí và luyện kim. Từ năm 1971, được chuyển trực thuộc Công đoàn Ngành, lần lượt Công đoàn các Ngành Cơ khí và Luyện kim, Công nghiệp nặng, Công nghiệp và hiện nay là Công đoàn Công Thương. Giai đoạn trước năm 2012 Đại hội Công đoàn Viện được tổ chức 5 năm 2 kỳ, từ năm 2012 ĐH CĐ Viện tổ chức 5 năm một lần. CĐ Viện luôn hoạt động hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với ban LĐ Viện thông qua quy chế phối hợp công tác giữa Chính quyền và CĐ, thực hiện tốt chức năng là đại diện, chăm lo đời sống VC, tinh thần cho CBVC, thực hiện công tác từ thiện, xã hội. Hoạt động của CĐ Viện luôn gắn với kế hoạch công tác và sự chỉ đạo của CĐ Công Thương, được CĐ Công Thương ghi nhận bằng nhiều hình thức khen thưởng. Ban Nữ Công trực thuộc CĐ Viện, là tổ chức quan tâm, chăm lo cho cán bộ nữ của Viện;
- Khi tách ra từ Viện TK Tổng hợp, cán bộ của Viện hầu hết ở tuổi Đoàn, đến đầu những năm 70 phát triển thành Đoàn cơ sở, chuyển sinh hoạt cùng quận Đoàn Đống Đa vào những năm 80, hiện nay trực thuộc Đoàn TN ĐU Khối Doanh nghiệp HN. Đoàn TN Viện luôn là lực lượng tham gia tích cực vào mọi mặt hoạt động của Viện ngay từ những ngày đầu thành lập, trong thời kỳ chiến tranh đã có 49 TN của Viện nhập ngũ tham gia giải phóng đất nước, trong thời bình, không có hoạt động nào không có sự tham gia của các đoàn viên TN, đoàn TN viện được Đoàn TN Khối DN HN đánh giá hoạt động nề nếp, có nhiều đóng góp thiết thực cho hoạt động của Viện và Đoàn Khối.
 Kính thưa các Quý vị,
Trải qua quá trình 55 năm, nhiều thế hệ CBVC-NLĐ của Viện đã vượt mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực lao động, công hiến để đóng góp vào sự phát triển ngành công nghiệp Mỏ nói riêng và xây dựng đất nước nói chung, thành quả của sự công hiến đó là các công trình khai thác, chế biến khoáng sản ở mọi miền đất nước, các tài liệu bao hàm cơ sở khoa học, pháp lý và thực tế giúp các cấp Lãnh đạo quản lý, định hướng phát triển ngành... Ghi nhận những đóng góp đó vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương và các Bộ, Ban, Ngành, ĐU Khối DN Hà Nội... đã trao tặng cho Viện và những cá nhân xuất sắc nhiều Huân, Huy chương, Cờ thi đua, Bằng khen, giấy khen và các giải thưởng KHCN.   
Thưa các quý vị khách quý,
Trải qua 55 hoạt động, trong nhiều điều kiện hoàn cảnh, bối cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội khác nhau, những khó khăn, thách thức, thuận lợi đan xen, có cả thành công và thất bại, song, sau tất cả, các thế hệ CBVC-NLĐ đã vượt qua, vươn lên để xây dựng một Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim như hôm nay. Nhìn lại chặng đường 55 năm đã đi qua, có thể rút ra các bài học kinh nghiệm sau:   
Một là, kiên định theo định hướng mục tiêu của tổ chức và lĩnh vực KHCN cốt lõi, tập trung mọi nguồn lực để từng bước đạt mục tiêu đề ra và phát triển, làm chủ KHCN các lĩnh vực cốt lõi. Linh hoạt, thích ứng với bối cảnh trong và ngoài nước cũng như đặc điểm, tình hình phát triển ngành để điều chỉnh cách tiếp cận mục tiêu và đối tượng cốt lõi;
Hai là, hoạt động nghiên cứu triển khai KHCN phải bám sát định hướng phát triển KHCN, phát triển ngành công nghiệp Mỏ, ngành Công Thương của Đảng, Chính phủ và Bộ Công Thương, làm tốt công tác tham mưu, dự báo, đề xuất chính sách... giúp các cấp lãnh đạo thực hiện phát triển, quản lý ngành. Công tác nghiên cứu phát triển phải vừa thực hiện những nhiệm vụ có tính chất đón đầu xu hướng KHCN, vừa giải quyết các nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu của thực tế sản xuất, song hành cùng các doanh nghiệp trong mục tiêu phát triển chung;
Ba là, con người là nhân tố quyết định sự thành, bại, phát triển đội ngũ cán bộ KHCN và quản lý giỏi luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Hệ thống chính trị của Viện. Đồng thời, để nhân lực trình độ cao gắn bó với Viện, công tác đào tạo, quy hoạch, sử dụng phải song hành theo hướng phát huy tối đa năng lực của cá nhân, thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh. Bố trí, bổ nhiệm và đãi ngộ đúng với năng lực, khả năng đóng góp của từng người trên tinh thần công bằng, minh bạch. Chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho CBVC-NLĐ;  
Bốn là, Không ngừng hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác nghiên cứu triển khai, dịch vụ KHCN và sản xuất kinh doanh để có được các sản phẩm KHCN và hàng hóa tốt;  
Năm là, thực tiễn cho thấy, mô hình nghiên cứu kết hợp thử nghiệm sản xuất nhỏ ngay trong Viện vừa để kiểm định kết quả nghiên cứu, điều chỉnh kịp thời những bất cập đảm bảo sự thành công khi phát triển công nghệ ở quy mô công nghiệp, vừa góp phần tạo nguồn thu, tăng thu nhập cho CBVC-NLĐ và từng bước tiến tới mô hình tự chủ hoàn toàn;
 Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm học hỏi, tận dụng tối đa thành tựu KHCN của nhân loại, tiếp thu và thích ứng nhanh với các thành tựu của cuộc cách mạng CN lần thứ 4. Phát triển các công nghệ xanh, thúc đẩy ngành CN mỏ phát triển theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn.
Bảy là, gìn giữ sự đoàn kết và thống nhất trong Viện, Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể hoạt động hiệu quả, luôn thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thực sự phát huy quyền dân chủ của CBVC, phân chia thành quả lao động một cách công bằng và minh bạch;
Thưa các quý vị,
Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim đã đi qua chặng đường 55 năm, những kết quả đạt được dù to lớn thế nào cũng đã là quá khứ, chỉ có thể coi là một tài sản tinh thần để tạo động lực cho thế hệ CBVC-NLĐ hiện nay tiến về phía trước. Trên cơ sở các chủ trương, chính sách phát triển KHCN, kinh tế, xã hội, CN mỏ... của Đảng, Nhà nước và Ngành Công Thương, chỉ đạo của ĐU cấp trên, trong giai đoạn tới, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim sẽ tập trung thực hiện một số định hướng chính như sau:
Một là: Tiếp tục tái cơ cấu Viện một cách toàn diện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương (Bộ) theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, sáp nhập các bộ phận có chức năng liên quan, giảm nhân lực gián tiếp, tăng nhân lực R-D KHCN, đặc biệt là nhân lực trình độ cao. Kiến nghị Bộ và Chính phủ cho hợp nhất các đơn vị thuộc Bộ có chức năng chuyên môn tương đồng vào Viện để tập trung nguồn lực cho giai đoạn phát triển mới. Đổi mới phương thức quản lý và cơ chế vận hành công tác R-D KHCN. Nâng cao mức độ tự chủ chi thường xuyên để tiến tới tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên;
Hai là: Thực hiện tốt chức năng tham mưu công tác quản lý ngành cho Lãnh đạo Bộ Công Thương và Chính phủ thông qua hoạt động xây dựng và tham gia xây dựng công cụ quản lý ngành như các Nghị định, Thông tư, Quy hoạch, Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn, Định mức kinh tế kỹ thuật….;
Ba là: Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, khẳng định vị trí hàng đầu của tổ chức R-D thông qua các sản phẩm trí tuệ và sản phẩm vật chất KHCN để thúc đẩy quá trình đổi mới nhận thức, đổi mới và hiện đại hóa công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản (KS). Công tác R-D lấy ngành, doanh nghiệp làm trọng tâm, giải quyết các vấn đề về công nghệ, thiết bị,… để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quá trình khai thác, chế biến KS;
Bốn là: Tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển đội ngũ nhân lực KHCN chất lượng cao, cùng với tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu tiệm cận với trình độ khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, triển khai KHCN trong bối cảnh hội nhập và yêu cầu ngày càng cao của ngành trong xu thế của cuộc cánh mạng CN lần thứ 4;
Năm là: Tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức KHCN trên thế giới có trình độ tiên tiến nhằm học hỏi, tiếp thu trình độ công nghệ và kỹ năng quản lý KHCN; 
Sáu là: Làm tốt hoạt động công bố kết quả NC KHCN trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Tăng cường đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích. Tham gia đào tạo sau đại học với Trường Đại học Bách Khoa và Trường Đại học Mỏ-Địa chất.
Bảy là: Nghiên cứu phát triển các công nghệ theo hướng giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến KS, xử lý, tái sử dụng nguyên liệu phế thải có nguồn gốc KS, phát triển mô hình nền kinh tế tuần hoàn;
   Tám là: Duy trì sản xuất các sản phẩm truyền thống như thiếc kim loại, hợp kim thiếc, các loại hợp kim thép, đồng… có tính năng đặc biệt, đồng thời, tự phát triển và tiếp thu công nghệ để sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu thiếc có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu rất lớn của ngành công nghiệp điện tử trong nước và xuất khẩu, sản xuất các loại vật liệu tiên tiến phục vụ công nghiệp dân sinh và an ninh quốc phòng, tham gia các chương trình công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao; 
Chín là: Tăng cường công tác quản trị, đặc biệt là quản trị chi phí, quản trị rủi ro và quản trị kết quả sản xuất kinh doanh, thực hiện triệt để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trên cơ sở quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm vật tư, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Thưa các vị khách quý,
 Với di sản mà bao thế hệ CBVC-NLĐ của Viện trong 55 năm qua đã nỗ lực gây dựng, với ý thức, trách nhiệm phải gìn giữ phát triển những thành tựu mà các thế hệ cha anh để lại, với truyền thống vượt mọi khó khăn, thách thức, với khát vọng lao động, cống hiến để góp phần vào quá trình xây dựng phát triển ngành CN mỏ VN nói riêng, xây dựng phát triển đất nước phồn vinh nói chung, thế hệ CBVC-NLĐ của Viện hôm nay quyết tâm cùng nhau tiếp tục phát triển Viện vươn tới những thành tựu to lớn hơn.
 Kính thưa các Quý vị,
Để có được một Viện KH&CN Mỏ-Luyện kim như hiện nay, đó là sự nỗ lực lao động vượt gian khó góp sức xây dựng của bao thế hệ CBVC-NLĐ, sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao, giúp đỡ hiệu quả của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, các Bộ, Ban Ngành liên quan, DDUK Doanh nghiệp HN, CĐ Công Thương VN, các Tập đoàn, Tổng Cty hoạt động KS, sự tin tưởng hợp tác của các đối tác trong và ngoài nước.
Thay mặt tập thể Lãnh đạo và toàn thể CBVC-NLĐ Viện, tôi xin bày tỏ sự tri ân, lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ CBVC-NLĐ của Viện, sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, các Bộ, Ban Ngành liên quan, ĐUK Doanh nghiệp HN, CĐ Công Thương VN, các Tập đoàn, Tổng Cty trong và ngoài ngành khoáng sản, các đối tác trong và ngoài nước trong 55 năm qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của các cấp lãnh đạo, sự hợp tác của các đơn vị đối tác trong chặng đường phát triển tiếp theo của Viện.
Xin kính chúc các quý vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể CBVC-NLĐ của Viện lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn quý vị!