HỘI NGHỊ KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT MỎ TOÀN QUỐC LẦN THỨ XXVIII

ThS. Nguyễn Bảo Linh - Phòng KH&KHCN
 
Đoàn đại biểu Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim tham dự Hội nghị
 
Trong hai ngày 29 và 30/9/2023, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Khoa học và Kỹ thuật Mỏ toàn quốc lần thứ XXVIII với chủ đề “Kinh tế tuần hoàn trong Công nghiệp mỏ Việt Nam”. Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và cán bộ kỹ thuật gặp gỡ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu, triển khai KHKT, đào tạo nhân lực và sản xuất kinh doanh trong ngành công nghiệp mỏ.
Tham dự hội nghị có đại diện của các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, UBND và các Sở, Ngành tỉnh Bình Định, các Tập đoàn, Công ty, các Viện, Các Trường Đại học và các hội viên trong cả nước.
Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI), một thành viên của Hội là đơn vị nghiên cứu, triển khai, dịch vụ KH&CN ngành CN mỏ, đặc biệt là khoáng sản kim loại với các lĩnh vực khai thác mỏ, tuyển khoáng, luyện kim, môi trường công nghiệp, phân tích hóa - lý, chế tạo thiết bị, nghiên cứu xử lý, tái chế phế liệu có nguồn gốc khoáng sản … đã tham dự và đóng góp tích cực vào mọi hoạt động của Hội nghị.
Trong số 33 báo cáo tiêu biểu có nội dung phù hợp với chủ đề của Hội nghị là “Kinh tế tuần hoàn trong Công nghiệp mỏ Việt Nam” được tuyển chọn để đưa vào Tuyển tập Báo cáo của Hội nghị, VIMLUKI đóng góp 04 báo cáo với các nội dung:
 1 - Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản: Kinh nghiệm một số nước và khuyến nghị cho Việt Nam;
2 - Mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành khai khoáng - Góc nhìn từ kinh nghiệm các nước;
3 - Tuần hoàn chất thải trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam: Thách thức và cơ hội cho phát triển bền vững;
4 - Đánh giá tiềm năng sử dụng quặng thải tại một số nhà máy tuyển khoáng làm vật liệu xây dựng.
Mô hình kinh tế tuần hoàn lần đầu tiên được đề cập trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sau đó được cụ thể hóa trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 01/10/2021) và Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 07/6/2022). Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên dành một điều luật riêng (Điều 142) quy định về kinh tế tuần hoàn.
Điều đó cho thấy, phát triển kinh tế tuần hoàn là định hướng phát triển tổng quát và lâu dài của Việt Nam, phù hợp xu thế tất yếu của nhân loại và ngành khai thác, chế biến khoáng sản cũng không thể đứng ngoài xu thế chung đó. Tuy nhiên, so với thế giới, Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu sâu về kinh tế tuần hoàn trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản. Để phát triển và ứng dụng hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản ở Việt Nam, việc nhận thức rõ, đầy đủ về kinh tế tuần hoàn, tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để rút ra bài học cho Việt Nam là rất cần thiết. Do đó, các báo cáo của VIMLUKI nói riêng và các báo cáo tham dự Hội nghị đã tập trung giới thiệu về các mô hình kinh tế tuần hoàn, phân tích kinh nghiệm ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản ở một số nước tiêu biểu trên thế giới, các giải pháp ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp, từ đó, có những gợi ý, khuyến nghị áp dụng cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp mỏ của Việt Nam.
Kinh nghiệm cho thấy, để một doanh nghiệp khai khoáng có thể từng bước thúc đẩy ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, điều quan trọng không chỉ là nâng cao nhận thức mà cần có những thay đổi trong nội bộ tổ chức, trong ngành, và trong chính sách, pháp luật, thể chế của nhà nước. Thay đổi trong nội bộ tổ chức bao gồm việc xác lập các mục tiêu về ứng dụng kinh tế tuần hoàn, nâng cao nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như nhân viên, lồng ghép nội dung kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, kế hoạch của doanh nghiệp một cách có hệ thống. Ngành khai thác, chế biến khoáng sản cũng cần phát huy vai trò của các hiệp hội trong việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm, khóa tập huấn để nâng cao nhận thức chung trong ngành, đặt ra những hướng dẫn, tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ tiêu cho ngành về áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để các doanh nghiệp có mục tiêu phấn đấu chung, có sự ghi nhận, trao thưởng cho các doanh nghiệp về nỗ lực và thành tích trong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. Về phía nhà nước, cần có những chính sách và quy định pháp luật nhằm thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản từng bước áp dụng và chuyển dịch từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trong hoạt động của mình,
Kinh tế tuần hoàn trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản cần tập trung vào tối đa hóa giá trị, giảm lượng chất thải sinh ra trong tất cả các giai đoạn từ khai thác đến chế biến, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giá trị bằng việc kéo dài tuổi thọ của mỏ. Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi một cách tiếp cận mang tính hệ thống và tổng thể, sự phối hợp và cộng tác trong ngành cũng như với các ngành khác. Mỗi doanh nghiệp khai khoáng không chỉ là nhà cung cấp nguyên vật liệu mà còn là bên mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ, do đó, có thể xem xét khả năng mở rộng và gia tăng tính chất tuần hoàn trong toàn bộ chuỗi giá trị.
 
Một số hình ảnh tại Hội nghị