Kết quả nghiên cứu tính khả tuyển quặng thiếc - arsen khu Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang


Mỏ quặng gốc thiếc - arsen Phú Lâm thuộc địa phận xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 15 km về phía Nam Tây Nam, hiện đang triển khai thăm dò với diện tích thăm dò khoảng 0,765 km2.

Trong khuôn khổ Đề án Thăm dò thiếc khu Phú Lâm, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim được giao nhiệm vụ: “Nghiên cứu tính khả tuyển quặng thiếc - arsen khu Phú Lâm”. Mục tiêu chính của nhiệm vụ là nghiên cứu mẫu công nghệ của Đề án thăm dò, đánh giá khả năng thu hồi quặng tinh thiếc đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ cho khâu chế biến tiếp theo.

Để thực hiện mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tổng quan tài liệu, phân tích, đánh giá tình hình chế biến quặng thiếc trong và ngoài nước, sử dụng phương pháp phân tích, phương pháp thực nghiệm để xác định thành phần, đặc điểm các khoáng vật có trong quặng, xác định mức phân bố thiếc trong các cấp hạt từ đó định hướng công nghệ và tiến hành nghiên cứu tuyển khoáng để thu được quặng tinh thiếc.

Mẫu quặng thiếc - arsen dùng để nghiên cứu tuyển được lấy tại mỏ thiếc xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Các kết quả nghiên cứu và phân tích cho thấy thành phần khoáng vật của mẫu nghiên cứu gồm: casiterit chiếm 0,52 %, các khoáng vật sắt chủ yếu như: nhóm oxit sắt chiếm 8,11 %, khoáng arsenopyrit chiếm 0,55 %, pyrit và pyrotin chiếm 1,24 %, tạp chất có hại trong mẫu chủ yếu là thạch anh, amphibol, mica, felspat... chiếm tới 70,47 %. Quặng có cấu tạo mạch, dải, xâm tán, kiến trúc hạt nhỏ, tha hình, tự hình, tấm vảy biến tinh, sắp xếp liền nhau tạo thành khối đặc sít. Thành phần hóa học chính của mẫu quặng như sau: Sn 0,29 %; SiO2 42,85 %; Fe 5,31 %; Cu 0,01 %; As 0,063 %; Bi 0,0008 %; S 1,69 %; Zn 0,002 %; Pb 0,001 %… Hàm lượng As thấp, vì vậy đề tài chủ yếu nghiên cứu nhằm thu hồi khoáng vật chính là Sn, còn As sẽ được định hướng tách ra cùng sản phẩm sunfua.

Các giải pháp nghiên cứu tuyển thu hồi quặng tinh thiếc gốc mỏ Phú Lâm gồm: tuyển trọng lực trên bàn đãi, trên vít đứng, tuyển từ, tuyển nổi và kết hợp giữa các phương pháp tuyển để có thể thu hồi tối đa quặng tinh thiếc.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tuyển mẫu quặng thiếc và hiệu quả của các phương pháp tuyển như sau: 
- Xác định ảnh hưởng của độ hạt đến kết quả đãi.
- Khảo sát hiệu quả tuyển thông qua việc đãi ở cấp hạt hẹp.
- Tuyển trên vít đứng.
- Nghiên cứu thu hồi thiếc từ quặng đuôi vít (-0,5 mm).
- Nghiên cứu tuyển nổi tách sunfua từ cấp -0,125 mm.
- Nghiên cứu tuyển từ.
- Nghiên cứu định hướng bằng phương pháp hóa tuyển.

Kết quả nghiên cứu ở quy mô phòng thí nghiệm cho thấy, giải pháp công nghệ mà nhóm nghiên cứu đề xuất là hợp lý với đối tượng quặng nghiên cứu. Đã xác lập được sơ đồ tuyển để thu hồi quặng thiếc khu mỏ Phú Lâm, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Quặng tinh thiếc nhận được có hàm lượng ≥ 56 %  tương ứng với thực thu ≥ 62 %.

Mặc dù mức độ nghiên cứu chỉ dừng lại ở việc đánh giá khả năng tuyển thu hồi quặng có ích thuộc Đề án thăm dò, song kết quả nghiên cứu đã mở ra triển vọng cho việc khai thác, chế biến nguồn tài nguyên thiếc - arsen gốc tại vùng mỏ Phú Lâm cũng như các mỏ quặng thiếc - arsen gốc của những vùng khác có thành phần vật chất tương tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước./.
 
KS. Đông Văn Đồng và NNK
                                          Phòng Công nghệ Tuyển khoáng
                               Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim